Hiện tại, trên thế giới nhiều quốc gia đều đang đẩy mạnh việc áp dụng những ứng dụng của khoa học công nghệ vào việc nâng cao thành tích của các VĐV, trong đó bao gồm cả các lĩnh vực như sinh lý, tâm lý, điều khiển cơ và cơ chế sinh học mà còn bao gồm cả dinh dưỡng, chế độ ăn uống, công nghệ thể thao, nhân trắc học, kích thước cơ thể và việc phân tích hiệu suất.
Đơn cử như Úc, sau thất bại ở kỳ TVH Montreal 1976 (Úc chỉ giành được 1 HCB, 4 HCĐ), quốc gia này đã quyết định thiết lập hệ thống huấn luyện thể thao chuyên nghiệp cấp quốc gia cũng như áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào việc nâng cao thành tích thi đấu trong thể thao. Kết quả, sau nhiều năm tiến hành áp dụng khoa học công nghệ vào thể thao cũng như tăng nguồn kinh phí cho thể thao, thành tích của các VĐV trên đấu trường Olympic đã được cải thiện đáng kể, mới đây nhất tại TVH Olympic Luân Đôn, giành được 7 HCV, 16 HCB và 12 HCĐ, xếp vị trí thứ 10 trong bảng tổng sắp huy chương.
Hay như Trung Quốc, khi đề cập tới việc làm thế nào để đưa một quốc gia có nền thể thao phát triển mạnh trở thành một cường quốc thể thao, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Liu Peng đã nhấn mạnh tới sự hỗ trợ của khoa học, “trẻ hóa” thể thao thông qua khoa học - đào tạo và nâng cao chất lượng thành tích bằng những tài năng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2005 - 2007, Chính phủ Trung Quốc đã chi khoảng 4,6 triệu Nhân dân tệ (734,718 USD) cho công tác khoa học công nghệ trong lĩnh vực thể dục thể thao và 310 đề án đã được thiết lập.
Vương quốc Anh cũng là điển hình trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nâng cao thành tích thi đấu. Để chuẩn bị cho việc giành thành tích cao tại TVH Luân Đôn 2012, Anh đã tiến hành đầu tư mạnh vào công nghệ khoa học thể thao với hơn 7,5 triệu bảng Anh trong vòng 4 năm qua từ 2009-2013 từ sự kết hợp của nguồn ngân sách Chính phủ và Quỹ xổ số quốc gia, và đã thu hút được hơn 12 triệu Bảng từ các “nguồn tài trợ bên ngoài”.
Đối với thể thao Việt Nam, trong những năm gần đây công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trong thể thao đã được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đào tạo, nâng cao thành tích của các VĐV còn chưa mang lại nhiều hiệu quả. Nhận rõ về sự quan trọng của khoa học công nghệ trong thể thao, Bộ VHTTDL đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ở cả 3 lĩnh vực Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó xác định, trong giai đoạn tới, toàn ngành sẽ đầu tư nhiều hơn nữa về cả nguồn ngân sách, nhân lực cho việc phát triển khoa học công nghệ.
Đặc biệt đối với thể thao Việt Nam, trong giai đoạn trước mắt nhằm tập trung cho công tác chuẩn bị cho ASIAD 2019, thể thao Việt Nam sẽ tích cực triển khai tập trung vào việc: nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển TDTT cho mọi người; nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao; thực hiện giám định khoa học đối với công tác huấn luyện thể thao, đối với VĐV năng khiếu thể thao trẻ và VĐV trình độ cao, đặc biệt đối với các VĐV các môn thể thao trọng điểm quốc gia.
Bên cạnh đó, từng bước nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khoẻ đối với VĐV, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, đào tạo huấn luyện VĐV, công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV thành tích cao cũng như trong công tác phòng, chống doping phục vụ công tác TDTT đạt chuẩn quốc tế. Đó là những việc làm cấp thiết nhằm đưa nền thể thao Việt Nam tiến xa hơn trên con đường hội nhập.
V.A