*Thưa ông, hiện tại Thể thao Việt Nam đang tập trung triển khai các Đề án nào?
Hiện tại, Thể thao Việt Nam đang cùng lúc triển khai nhiều đề án, chương trình về phát triển TDTT như: Đề án nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam và nhiều Đề án trọng điểm khác như: quy hoạch phát triển TDTT giai đoạn 2011 – 2020; các chương trình hành động quốc gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; Đề án về chương trình mục tiêu về TDTT, Đề án về đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế; Đề án tổ chức đại hội TDTT toàn quốc…
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 1 tập trung vào việc triển khai các đề án đó. Giai đoạn 2 tiếp tục tập trung vào đề án nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam và các đề án đã được Chính phủ phê duyệt.
*Tổng cục TDTT có cơ chế nào để giám sát các Đề án và việc thực hiện chúng như thế nào, thưa ông?
Về lộ trình thực hiện chiến lược cũng như các đề án, Bộ VH,TT&DL đã ban hành chương trình phối hợp và chỉ đạo. Trên cơ sở quyết định của Bộ, Tổng cục TDTT đã ban hành quyết định cho các đơn vị thuộc Tổng cục triển khai các nhiệm vụ mà Bộ giao. Trong các kế hoạch đó đều có các quy định về thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành. Tất các các đơn vị, các cán Bộ được giao nhiệm vụ đều phải thực hiện theo kế hoạch Bộ giao.
*Trong bản Đề án phát triển TDTT đến năm 2020 có rất nhiều mục tiêu. Theo ông, mục tiêu nào là điểm nhấn quan trọng nhất đối với việc phát triển TDTT Việt Nam?
Đối với nhiệm vụ phát triển TDTT Việt Nam, có rất nhiều các mục tiêu, nhưng mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của nhân dân. Điều này được thể hiện đầy đủ nhất qua Đề án nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam mà Tổng cục TDTT đã xây dựng và trình lên Bộ và Bộ VH,TT&DL đã trình Chính phủ thông qua. Bên cạnh đó còn nhằm phát triển, nâng cao thể thao thành tích cao và các môn thể thao chuyên nghiệp, từ đó nâng cao thành tích của TTVN. Trong nhiệm vụ phát triển thể thao thành tích cao, nhiệm vụ phấn đấu đạt các thành tích cao ở các đấu trường Olympic và ASIAD.
*Trong Đề án phát triển, có mục tiêu cho đoàn TTVN tại các kỳ Olympic (tại Olympic Sydney năm 2000, chúng ta đã giành được 1 HCB ở môn Teakwondo), tuy nhiên, đề án này chỉ nêu chung chung việc giành được huy chương mà chưa mạnh dạn đề ra mục tiêu cụ thể? ông lý giải vấn đề này như thế nào?
Đấu trường Olympic là đấu trường khắc nghiệt. Để có thể tham gia vào đấu trường này, tất các các VĐV đều phải thi đấu qua vòng loại. Có hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia và số lượng VĐV bị khống chế chỉ trong khoảng 10.000 người. Chính vì vậy việc giành một tấm vé để tham dự Olympic là một điều rất khó khăn. Trong điều kiện, khả năng của thể thao Việt Nam như hiện nay thì chúng tôi đặt ra chỉ tiêu phấn đấu có nhiều VĐV vuợt qua vòng loại tham dự Olympic.
Xuất phát trên cơ sở trình độ hiện tại của Thể thao thành tích cao, trình độ của các VĐV, HLV và điều kiện của khoa học công nghệ, chế độ đinh dưỡng, chăm sóc, cơ sở vật chất cũng như thể chất của người Việt Nam nên giai đoạn trước mắt, chúng tôi đặt mục tiêu giành được huy chương ở TVH và ở những môn mà chúng ta có thế mạnh. Tới năm 2020 hoặc các kỳ Olympic sau, chúng ta sẽ cố gắng nâng cao thành tích và có những chỉ tiêu phù hợp.
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!
NPV