Với thành tích 73 HCV - 53 HCB - 60 HCĐ, đoàn Thể thao Việt Nam giành vị trí thứ 3 trên bảng tổng sắp HC tại SEA Games 28.
Sau các nội dung thi đấu cuối cùng ngày hôm nay (15/6), đoàn Thái Lan một lần nữa khẳng định là số 1 Đông Nam Á với thành tích 95 HCV - 83 HCB - 69 HCĐ, chủ nhà Singapore đứng vị trí thứ 3 với thành tích đoàn 84 HCV - 73 HCB - 102 HCĐ. Thể thao Việt Nam với 392 VĐV tham gia tranh tài ở 28/36 môn thi đấu chính thức tại đại hội cũng đã mang về 73 HCV - 53 HCB - 60 HCĐ để đứng vị trí thứ 3 toàn đoàn.
Tại SEA Games 28, các đội tuyển Điền kinh, Bơi, Thể dục dụng cụ, Đua Thuyền và Đấu kiếm là những "mỏ vàng" của đoàn thể thao Việt Nam. Trong đó riêng đội tuyển điền kinh mang về cho đoàn Thể thao Việt Nam 11HCV - 15 HCB - 8 HCĐ. Nguyễn Thị Huyền và Dương Văn Thái là những người mang về cho đội tuyển Điền kinh nhiều HCV nhất. Với Nguyễn Thị Huyền đây thực sự là một kỳ SEA Games đang nhớ và thành công rực rỡ. Cô không chỉ đóng góp nhiều HCV cho đoàn TTVN, mà còn giành 2 vé chính thức tham dự Olympic 2016. Nguyễn Thị Huyền chính là người đầu tiên của thể thao Việt Nam đoạt chuẩn Olympic từ đường chạy SEA Games 28. Trong 3 HCV giành được Huyền phá ba kỷ lục SEA Games. Huyền cùng các đồng đội là Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thủy, Quách Thị Lan phá kỷ lục SEA Games tồn tại 24 năm ở nội dung 4x400m nữ với thành tích 3 phút 31 giây 43.
Đây là kỳ SEA Games không thành công với anh em nhà họ Quách, Quách Công Lịch và Quách Thị Lan. Trước khi lên đường tham dự SEA Games 28, anh em nhà họ Quách được kỳ vọng sẽ mang về cho đội tuyển Điền kinh từ 4-5 HCV ở những nội dung mình tham gia thi đấu. Tuy nhiên, sau 6 ngày thi đấu chính thức tại đại hội Quách Công Lịch chỉ có thể giành 2 HCB - 1 HCĐ. Trong đó thất bại của Công Lịch ở nội dung 400m nam là điều đáng tiếc khi VĐV sinh năm 1993 đã liên tục dẫn đầu trong phần lớn chặng đua nhưng đã để thua đối thủ người Thái Lan ở những mét cuối cùng rồi chỉ nhận được tấm HCB. Cùng với người anh trai của mình, Quách Thị Lan chỉ có thể giành được tấm HCB nội dung 400m nữ trong khi thất bại ở nội dung 200m.
Dù lực lượng tham dự SEA Games không đông đảo như các đội tuyển khác nhưng đội tuyển Bơi cũng đã thi đấu rất thành công và mang về cho đoàn Thể thao Việt Nam 10 HCV - 2 HCB - 4 HCĐ, đứng vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương của bộ môn này sau chủ nhà Singapore. Ở kỳ đại hội này, Nguyễn Thị Ánh Viên là gương mặt xuất sắc nhất của đoàn Thể thao Việt Nam. Kình ngư 19 tuổi người Cần Thơ mang về cho đoàn Thể thao Việt Nam 8 HCV - 1 HCB - 1 HCĐ và phá vỡ 8 kỷ lục tại SEA Games. Với thành tích này, Ánh Viên đi vào lịch sử SEA Games khi trở thành VĐV có số HCV cá nhân nhiều nhất trong một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Kình ngư 19 tuổi của Việt Nam đã phá kỷ lục về số HCV cá nhân trong 1 kỳ SEA Games của cựu VĐV Jescelin Yeo (Singapore) năm 1993 và Tao Li (Singapore) năm 2011.
Đây là một kỳ SEA Games thành công với đội tuyển đua thuyền Việt Nam. Tại kỳ đại hội này, các tay chèo Việt Nam đã vượt qua mọi sự kỳ vọng ban đầu để mang về cho đoàn thể thao Việt Nam 9 HCV - 4 HCB - 5 HCĐ. Trong đó riêng đội tuyển Rowing đóng góp tới 8 HCV - 4 HCB - 1 HCĐ gấp đôi so với chỉ tiêu đặt ra giành 4 HCV trước khi lên đường tham dự SEA Games 28. Tấm HCV duy nhất ở môn Canoeing là của Trương Thị Phương. Đây là tấm HCV đầy ý nghĩa với cô gái trẻ 16 tuổi trong lần đầu tiên tham dự một kỳ SEA Games 28. Thành tích của Phương thậm chí còn ấn tượng hơn khi cô không phải là niềm hy vọng vàng của đội tuyển Canoeing Việt Nam và dù làm quen với nước rất nhiều nhưng cô gái trẻ lại không biết bơi. Cô đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của đội ngũ tình nguyện viên do bị lật thuyền khi về đích.
Đội tuyển bóng chuyền nam và nữ Việt Nam cũng đã có những thành công đáng kể tại SEA Games 28. Dù chỉ tham dự Đại hội với một đội hình trẻ nhưng đội tuyển bóng chuyền nam và nữ Việt Nam đã giành vé vào chơi trận chung kết trước khi để thua nhà đương kim vô địch Thái Lan ở trận đấu cuối cùng. Tuy nhiên, đây đều là những tấm HCB đáng quý của đoàn Thể thao Việt Nam tại kỳ đại hội này.
Bên cạnh những đội tuyển thi đấu rất thành công tại SEA Games 28, Thể thao Việt Nam cũng có nhiều môn thi đấu không hoàn thành mục tiêu đặt ra, trong đó có thất bại đáng tiếc của đội tuyển U23 ở môn bóng đá nam, đội tuyển Cầu lông, Bắn cung, Xe đạp. Tuy nhiên, có một tín hiệu tích cực của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 là các hơn 2/3 số HCV giành được tại kỳ đại hội lần này đến từ các môn thuộc hệ thống Olympic. Do đó nếu tiếp tục được đầu tư đúng mức trong những năm tiếp theo Thể thao Việt Nam sẽ có thêm nhiều đại diện tham dự các giải đấu thế giới và Olympic nữa.
Theo thethaovietnam.vn