Thưa ông, với tư cách là Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam xin ông cho biết đôi nét về công tác chuẩn bị của đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Luân Đôn 2012?
Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội Olympic 2012, từ nhiều tháng qua, Tổng cục TDTT đã phối hợp với các Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia trong và ngoài nước đưa các VĐV giành vé tham dự Olympic Luân Đôn 2012 đi tập huấn dưới sự chỉ dẫn của nhiều chuyên gia giỏi. Đồng thời, tạo những điều kiện tốt nhất có thể cho các VĐV được tập luyện ở môi trường và sức khỏe tốt nhất. Tiêu biểu như tại Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội - nơi tập huấn chủ yếu (trong nước) của các VĐV tham dự Olympic Luân Đôn 2012, ở đây ngoài việc tạo kiện thuận lợi về cơ sở vật chất để tập luyện cũng như chế độ dinh dưỡng dành cho các VĐV luôn được đảm bảo, Trung tâm đã bố trí đội ngũ bác sĩ chuyên biệt giỏi về chuyên môn thường xuyên theo dõi và chăm sóc kịp thời sức khỏe cho các VĐV.
|
Ông Lâm Quang Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch
Ủy ban Olympic Việt Nam - Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam
(Ảnh: Nguyệt Hương) |
Một điều rất vui mừng đó là các VĐV, HLV của đoàn Thể thao Việt Nam luôn tập luyện với tinh thần nỗ lực và ý trí bền bỉ, đã xuất sắc vượt qua mọi khó khăn trong tập luyện và tham gia thi đấu tại các cuộc thi vòng tuyển chọn để giành quyền tham gia Thế vận hội Olympic 2012. Với 14 đội tuyển được triệu tập tập huấn chuẩn bị và tham gia thi đấu tuyển chọn Olympic Luân Đôn 2012 thì đã có 11 đội tuyển với 18 VĐV vượt qua các vòng đấu loại, giành vé chính thức tham dự Olympic Luân Đôn 2012 (3 đội tuyển dù đã cố gắng nhưng chưa đạt được thành tích mong muốn như: Caenoing, Boxing và Bóng bàn).
Cho đến nay, sau một thời gian chuẩn bị nghiêm túc với tinh thần và trách nhiệm cao nhất của tất cả cán bộ, chuyên gia, HLV, VĐV, đoàn Thể thao Việt Nam đã sẵn sàng tham gia tranh tài tại Thế vận hội Olympic 2012.
Là người cầm quân tham dự Olympic Luân Đôn 2012, ông có đánh giá gì về khả năng, trình độ chuyên môn của các VĐV Việt Nam ở sân chơi mang tầm thế giới này, thưa ông?
Thế vận hội Olympic là sự kiện Thể thao quốc tế quan trọng nhất của Thể thao thế giới. Các cuộc thi đấu tại Thế vận hội Olympic chỉ dành cho những VĐV giỏi nhất, xuất sắc nhất đến từ trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chính vì vậy, được tham gia tranh tài tại Thế vận hội Olympic là niềm vinh dự và tự hào của mỗi VĐV, HLV. Mặc dù, vẫn biết rằng đạt được những tấm huy chương danh giá tại Thế vận hội Olympic là điều khá khó khăn song đoàn Thể thao Việt Nam luôn ý thức được trách nhiệm vinh quang và niềm tự hào khi đại diện cho quốc gia tham dự Thế vận hội Olympic sẽ đoàn kết một lòng, với ý thức vững vàng, quyết tâm phấn đấu giành được những thành tích tốt nhất, mang lại vinh quang cho Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.
Như các bạn đã biết, trong số 11 môn Thể thao tham dự Olympic lần này thì chúng ta đã có môn Cử tạ và Taekwondo đã từng giành được huy chương ở các kỳ Thế vận hội Olympic trước đó, môn Thể dục dụng cụ, vừa qua cũng đã có VĐV đạt HCĐ tại giải vô địch thế giới, điều đó cho thấy nội lực của các VĐV của Việt Nam tham dự Olympic 2012 không phải là yếu và chúng ta hãy đặt niềm tin vào các VĐV để các em thi đấu với tâm lý và thành tích tốt nhất. Nhìn chung sau một thời gian các VĐV của các đội tuyển tham gia tập huấn đều cho thấy trình độ chuyên môn, kỹ chiến thuật của các VĐV đã được nâng lên đáng kể so với các thời điểm trước đó.
Có ý kiến cho rằng, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự với 56 thành viên nhưng trong đó chỉ có 18 VĐV tham gia tranh tài, liệu đó có phải là sự lãng phí về kinh phí của nhà nước, vậy ông nghĩ sao về điều này, thưa ông?
Thực ra, con số 56 thành viên của đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic thì chỉ có 49 người của đoàn Thể thao, 4 phóng viên từ các cơ quan thông tấn báo chí của Bộ VH,TT&DL (đi theo diện kinh phí tự túc của đơn vị) và 3 cán bộ, HLV đi theo diện Liên đoàn và địa phương chi kinh phí. So với các nước khác trong khu vực, thì con số đi theo này vẫn là ít (1 VĐV đi dự Olympic trung bình có từ 5 - 6 người phục vụ).
Mỗi thành viên đoàn Thể thao Việt Nam đều đảm nhận nhiệm vụ riêng tại TVH, ngay cả Bác sỹ - cũng chỉ có duy nhất 1 người (sẽ vừa đảm nhiệm việc chăm sóc, xoa bóp và chữa trị chấn thương cho 18 VĐV...). Nói như vậy để thấy rằng, những người làm việc trong ngành Thể thao đều ý thức được một điều rằng, hiện nay kinh tế đất nước đang còn nhiều khó khăn, do vậy bất kể một quyết định nào liên quan đến kinh phí của nhà nước đều được lãnh đạo Tổng cục TDTT cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng và luôn hướng đến phương châm tiết kiệm kinh phí ở mức tối đa mà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó.
Thưa ông, được giới truyền thông nước nhà đánh giá là người cầm quân "may mắn" của đoàn Thể thao Việt Nam vậy ông nghĩ gì về cơ hội của các VĐV Việt Nam có khả năng giành huy chương ở sân chơi lớn mang tầm thế giới này?
Tôi cho rằng, bất cứ một sân chơi nào cũng cần đến yếu tố may mắn, nó gần như yếu tố quyết định tạo nên sự thành công. Hơn nữa ở sân chơi Thể thao thì yếu tố đó lại càng trở nên quan trọng hơn cả. Cá nhân tôi rất xúc động nếu được giới truyền thông ưu ái dành cho những lời nhận xét đó. Nhưng hơn tất cả, sự nỗ lực của mỗi cá nhân VĐV trong thi đấu cộng với chiến thuật của Ban huấn luyện đưa ra hợp lý thì chắc chắn các VĐV Việt Nam sẽ có được thành tích tốt nhất.
Thể thao Việt Nam cũng đã từng đạt được huy chương tại Olympic ở môn Taewondo, Cử tạ, do vậy chúng ta có quyền để đặt hy vọng giành huy chương ở các môn này. Hay ở một số môn Thể thao khác như: Bắn súng, Rowing, Đấu kiếm, Cầu lông cũng đều có thể gây cho người hâm mộ sự bất ngờ, các môn Bơi, Điền kinh, Vật, Judo chúng ta cũng sẽ thi đấu với nỗ lực cao nhất để đạt được thành tích tốt nhất.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và xin được chúc cho đoàn Thể thao Việt Nam lên đường tham dự Olympic Luân Đôn 2012 gặp nhiều may mắn và giành thành tích cao nhất.
Nguyệt Hương