TDTT quần chúng là hoạt động tập luyện, biểu diễn và thi đấu TDTT mang tính tự nguyện của đông đảo nhân dân. Sự nghiệp phát triển TDTT quần chúng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với mục tiêu phát triển TDTT quần chúng nhằm tăng cường sức khoẻ, phát triển hài hoà các yếu tố về thể chất và tinh thần của con người, góp phần đào tạo nhân lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển TDTT quần chúng còn là cơ sở, điều kiện để phát triển thể thao thành tích cao và là một trong những nhân tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của thể thao nước nhà trong những năm tới.
Ngày 10/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010. Cho đến thời điểm này, đây là một Chương trình đầu tiên có mục tiêu với quy mô quốc gia, các giải pháp đồng bộ, dài hạn để phát triển phong trào TDTT quần chúng.
Một trong những nội dung quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của Chương trình đó là vấn đề về đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT ở cấp xã, phường.
Trong thực tế, phần lớn các xã, phường, thị trấn không có cán bộ chuyên trách TDTT mà chỉ có cán bộ kiêm nhiệm chức năng quản lý chỉ đạo công tác TDTT. Họ làm việc với thể thao bằng sự đam mê, yêu thích, tự nguyện tham gia tổ chức các hoạt động thể thao cho nhân dân mà không cần chế độ đãi ngộ. Có thể nói, phong trào TDTT quần chúng ở xã, phường có những bước tiến mới trong những năm gần đây một phần do tác động trực tiếp của đội ngũ cán bộ bán chuyên trách nhiệt tình như vậy.
Trong kế hoạch thực hiện, Chương trình sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ hướng dẫn viên, cộng tác viên đảm bảo mỗi cụm dân cư (thôn, bản) có tối thiểu 01 cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo bài bản (thấp nhất ở cấp tỉnh). Trong quý IV năm 2005, Chương trình sẽ xây dựng những tiêu chuẩn và những nguyên tắc làm việc với các chế độ (kiêm nhiệm hoặc hợp đồng) của hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cấp xã, phường. Chương trình đề ra mục tiêu về số cán bộ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT ở cấp xã trong cả nước được bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ thể dục thể thao đạt trên 90%.
Để thực hiện mục tiêu đó, ngành TDTT cần thiết thực hiện những giải pháp như: bồi dưỡng nghiệp vụ thể thao cho cán bộ một cách đều đặn theo định hướng của ngành, tuyên truyền vận động những cán bộ đi học tập và sẽ trở về hoạt động cho địa phương mình... Song song với các biện pháp, việc ban hành những chính sách ưu đãi đối với cán bộ TDTT ở xã, phường đặc biệt những vùng sâu vùng xa là điều rất cần thiết.
HX