Bóng đá nữ Việt Nam đã 3 lần liên tiếp giành ngôi Vô địch tại các kỳ SEA Games. Đây cũng là thành tích tốt nhất mà Bóng đá Việt Nam có được trên đấu trường khu vực. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tại SEA Games 24 lần này, Bóng đá nữ Việt Nam đã đặt mục tiêu bảo vệ tấm HCV và điều này là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, nhiệm vụ bảo vệ "ngôi Hậu" lại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi mà đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam đã để thua Thái Lan tại vòng loại Olympic 2008 ở Băngkok với tỷ số không tưởng 5 - 0. (Cách đây 4 tháng, đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam cũng đã để thua Thái Lan và đây cũng là trận thua đầu tiên trước đối thủ này trong vòng 10 năm qua). Các đối thủ khác như Myanmar, Singapore... cũng đang có sự tiến bộ không ngừng. Phải chăng, Bóng đá nữ Việt Nam đang trong giai đoạn sa sút hay chỉ là sự thất thường của phong độ? Câu hỏi này không quá khó để trả lời. Vấn đề đặt ra hiện nay chính là việc cần có động lực để các nữ cầu thủ của chúng ta phấn đấu.
Giải thưởng
Một trong những nền tảng để có được một đội tuyển quốc gia mạnh chính là khi phong trào tập luyện phát triển sâu, rộng, chất lượng các giải đấu cao. Mặc dù Bóng đá nữ luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Uỷ ban TDTT và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhưng trong khi cùng lúc, các cầu thủ nam có 3 giải đỉnh cao (Vô địch Quốc gia; Cúp Quốc gia và Hạng Nhất) thì các cầu thủ nữ chỉ có duy nhất một giải Vô địch quốc gia. Năm nay, giải Vô địch Bóng đá nữ quốc gia 2007 chỉ có 6 đội tham dự, gồm: Hà Nội, Tp.HCM, Hà Nam, Hà Tây, Than khoáng sản Việt Nam và Thái Nguyên. Đặc biệt, nếu so sánh với các đồng nghiệp nam thì giải thưởng dành cho đội vô địch rất "khiêm tốn" khi chỉ có cúp vô địch, cờ và... 80 triệu đồng (hạng nhì và ba lần lượt là 60 triệu đồng và 30 triệu đồng). Dẫu biết không thể so với Bóng đá nam nhưng giải thưởng ở mức quá thấp như thế thì khó có thể trở thành động lực để các đội thi đấu. (Chức Vô địch của giải Bóng đá phong trào Bình Dương mở rộng năm 2007 cũng đã là 30 triệu đồng).
Kinh phí hoạt động
Để chuẩn bị cho giải, tất cả các đội bóng đều có sự chuẩn bị tích cực. Hà Nội và Tp.HCM tập trung huấn luyện dài ngày tại Trung Quốc trong khi đương kim vô địch Hà Tây có giải đấu mở rộng để cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm. Các đội còn lại như Hà Nam, Than khoáng sản - Việt Nam, Thái Nguyên cũng liên tục có những trận giao hữu nhằm nâng cao khả năng kỹ, chiến thuật. Tất cả những việc này đều cần có một nguồn kinh phí lớn. Bên cạnh đó, việc duy trì một đội Bóng đá nữ đòi hỏi một khoản kinh phí không hề nhỏ (tối thiểu là trên 2 tỷ đồng/năm). Trong khi đó, việc thu hút đầu tư cho Bóng đá nữ cũng như công tác xã hội hoá vẫn còn thiếu về lượng và yếu về chất. Ngân sách dành cho TDTT của các địa phương không lớn nên địa phương sẽ ưu tiên đầu tư cho các môn có khả năng giành huy chương hơn Bóng đá nữ và hệ quả tất yếu là cơ hội phát hiện, bồi dưỡng những tài năng mới thay thế cho lứa các cầu thủ đàn chị cũng ít dần.
Kinh phí cần thiết cho hoạt động thì lớn, nhưng Bóng đá nữ lại chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức của xã hội cũng như chính bản thân các đơn vị chủ quản. Thêm nữa, giải thưởng nhằm ghi nhận thành quả một năm miệt mài phấn đấu tập luyện với bao mồ hôi và công sức của giải đấu lớn nhất nước (vô địch quốc gia) vẫn còn một khoảng chênh lệch quá lớn so với các đồng nghiệp nam. Và quan trọng hơn, nhìn vào tấm gương của các bậc đàn chị - những cô gái đã đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình trên sân cỏ để mang vinh quang về cho Tổ quốc nhưng lại phải chịu quá nhiều thiệt thòi, liệu còn bao nhiêu cô gái sẽ đam mê theo đuổi môn Bóng đá? Nếu điều này thực sự xảy ra, Bóng đá nữ Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn trong việc khẳng định vị trí số 1 của mình tại Đông Nam Á. Đã đến lúc nhanh chóng giải quyết vấn đề kinh phí cho Bóng đá nữ. Chúng ta không giành được chiến thắng nếu thiếu niềm tin nhưng cũng không thể có được vinh quang khi chưa có sự đầu tư xứng đáng.
N.Quang