Trò chơi dù lượn đã xuất hiện trên thế giới hàng chục năm qua, ở Việt Nam bộ môn này đã được du nhập vào gần chục năm. Tuy nhiên, việc dù lượn xuất hiện ở các tỉnh vùng sâu xa, nơi tập trung các dân tộc ít người là không nhiều nên rất thu hút người xem.
Đặc điểm của dù lượn là các vận động viên xuất phát từ đỉnh núi sau đó lơ lửng trên không từ 30 phút đến vài tiếng rồi hạ cánh xuống đất.
Nhân dịp lễ hội ruộng bậc thang diễn ra tại Yên Bái, nhóm dù lượn Vietwings và nhiều vận động viên quốc tế đã đến núi Lìm Mông bay từ độ cao 500m.
Theo những người chơi dù lượn nhiều kinh nghiệm, khu vực Mù Căng Chải và thung lũng Tú Lệ thời tiết rất đẹp dịp cuối tháng 8 âm lịch, phù hợp cho việc bay dù. Đây cũng là thời điểm các thửa ruộng bậc thang bắt đầu chín vàng, tạo ra những mảng màu hấp dẫn.
Địa danh nổi tiếng đất Yên Bái này nằm gọn trong một thung lũng nhỏ với những thửa ruộng bậc thang trải dọc từ sườn núi xuống tới bản bên dưới.
Khung cảnh tuyệt đẹp với những thửa ruộng bậc thang xếp lớp, suối róc rách xuyên dọc thung lũng, cuộc sống thanh bình với những con người hiền hòa, mến khách. Đó là một trong những lý do khiến nơi đây được ông Patrick, phi công người Pháp cho là 1 trong 3 điểm bay dù lượn đẹp nhất thế giới.
Chuyến trình diễn dù lượn dịp này có gần 100 thành viên là các phi công dù lượn tham dự, trong đó có tới gần 50 người đăng ký bay cùng.
Còn ông Patrick hiện là cơ trưởng của hãng hàng không United Airline tại Nhật Bản. Một người chơi dù lượn có mặt tại đây cho biết, ông đã bay tại 34 điểm bay trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, hạn chế của điểm bay này là khu vực xuất phát hơi hẹp, chỉ xuất phát từng phi công một. Khoảng không gian cho việc bay dù cũng không đủ lớn để phi công biểu diễn, nhất là khi thời tiết không tốt. Bà con dân tộc đi làm đồng tỏ ra lạ lẫm khi thấy những cánh dù hạ xuống.
Theo kenh14.vn