Bên cạnh đó, thực hiện đề án còn nhằm mục tiêu thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước cũng như ứng dụng hiệu quả CNTT trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Việt Nam xác định CNTT và TT là động lực quan trọng góp phần bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước. Qua đó tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đề án đã đặt ra mục tiêu đạt đến trong năm 2010, tỷ trọng CNTT và TT đóng góp vào GDP đạt từ 8-10% với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm đạt từ 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên.
Trước mục tiêu tổng quát đó, Đề án đã đưa ra mục tiêu cụ thể về nguồn nhân lực CNTT, công nghiệp CNTT, hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập thông tin, ứng dụng CNTT... với các mốc thời gian đến năm 2015 và 2020. Trong đó, việc ứng dụng CNTT đến năm 2015 sẽ phải đạt mức cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp ở mức độ 2 và 3 (ở mức độ này, người dân có thể nhận mẫu hồ sơ trên mạng và trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ qua mạng). Đồng thời, 80% doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh; Phổ cấp ứng dụng CNTT trong hệ thống giáo dục, y tế và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quốc phòng, an ninh.
Đến năm 2015 bước đầu ứng dụng CNTT để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, bao gồm: ứng dụng CNTT trong quản lý giao thông đô thị, trong công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, công tác dự báo thời tiết...
Tiến tới đến năm 2020, Chính phủ điện tử Việt Nam sẽ thuộc loại khá trên thế giới và Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc về mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử. Thời điểm này, hầu hết các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 4 (thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng). 100% các ngành công nghiệp then chốt của đất nước, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh cũng là mục tiêu cụ thể đến năm 2020 về ứng dụng CNTT đề án đã đưa ra.
Để đạt được những mục tiêu đó, Đề án đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo tăng tốc phát triển CNTT và TT Việt nam trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT và TT, song cần có những đột phá trong phát triển với những mục tiêu cao hơn, tốc độ nhanh hơn.
Đề án cũng đưa ra 6 nhiệm vụ và cụ thể từng nhiệm vụ, gồm: Phát triển nguồn nhân lực CNTT; Phát triển CNTT; Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông và CNTT; Xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp để phổ cập thông tin đến các hộ gia đình; Ứng dụng hiệu quả CNTT trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; Tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT và TT, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm mới.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đoàn thể trung ương sẽ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT của mình phù hợp với các nội dung của Đề án.
Linh Giang