Khi gió chướng về, những làn gió thổi nhè nhẹ, tiết trời hanh hanh lạnh, sống vỗ ỳ oạp vào mạn thuyền, người đi câu nóng lòng xuống thuyền đi câu cá bông lau. Ngồi trên khoang thuyền bé nhỏ lênh đênh dưới ánh sao đêm, ngồi đợi nước ròng, kéo lên những con cá bông lau trắng phau nhảy lạch đạch.
Hằng năm từ tháng chạp đến tháng ba năm sau, nước lũ từ Biển Hồ (Campuchia) đổ về theo dòng sông Hậu, cá bông lau cũng theo dòng nước, háo ăn mải mê tìm mồi, gặp dòng nước biển theo gió chướng thổi từ biển Đông vào dội lại, chúng tập trung nhiều nhất từ cồn Mỹ Phước (An Lạc Tây - Kế Sách) đến ngã ba Vàm Tấn (xã Đại Ngãi, Long Phú, Sóc Trăng) dài hơn bảy cây số. Ngư dân cho rằng đây là mùa cá giao phối, sinh sản.
Vào những ngày này, tôi có vài đêm thức trắng theo ngư dân đi câu cá bông lau. Trong đêm khuya dưới ánh sáng sao đêm mờ mờ, gió chướng thổi nhẹ, chiếc ghe câu cá đang nổ máy xình xịch lênh đênh giữa sông nước mênh mông, tự tay bủa viền móc mồi, thả câu xuống dòng sông và chờ cá cắn câu, đợi nước rong kéo lên những cá bông lau đưa về làm thực phẩm đặc sản cung cấp khắp mọi miền đất nước.
Bây giờ đi câu cá bông lau vui lắm, trên dòng sông Hậu mênh mông vậy, nhưng vẫn lấp lánh ánh đèn của người đi câu, vả lại cá bông lau là đặc sản bán được giá trên 80.000 đến 100.000 đồng/kg nên đã động viên người đi câu bớt đi vất vả, sau một mùa câu một người có thể kiếm trên chục triệu đồng.
Con thuyền đi câu làm bằng gỗ có trọng tải từ 400-500kg (theo người dân gọi là xuồng ba lá), phía sau thuyền được gắn một máy đuôi tôm, thường là loại Kole 4, trong khoang được đóng sạp kín.
Người đi câu thường đi một mình (vì nhiều lẽ); tôi là trường hợp ngoại lệ, phía sau thuyền có hai bánh lái sống ở hai bên mạn thuyền nên người câu tự bỏ viền, móc mồi, máy nổ đẩy thuyền đi theo một đường thẳng. Sắm một giàn câu khoảng từ 2-3 triệu đồng, số tiền này quả thật không nhỏ với ngư dân, thế nhưng nếu may mắn chỉ vài đêm câu có thể hoàn vốn.
Giàn câu chỉ cần một bộ rường câu có từ 120-180 lưỡi câu, khoảng cách từ viền này đến viền kia dài từ 2,5-3 mét, lưỡi câu vừa sắc bén, vừa chắc, còn mồi là trùn lá hay trùn quế. Hai đầu giàn rường câu được cột chặt vào cây tre nhỏ, gắn nhiều phao để cho cột thẳng đứng mà trôi từ từ theo đòng nước, phía trên có treo nhiều sợi vải đủ màu và một cây đèn gió (thường là đèn hột vịt).
Đi câu cá bông lau là nghề tối đi sáng về, chỉ câu ban đêm vào những đêm tối trăng, thường từ 20 đến mùng 5 âm lịch, còn những đêm sáng trăng cá rất ít ăn mồi. Thả câu vào lúc con nước đang lớn và thu câu vào con nước bắt đầu ròng.
Nghề đi câu vốn phải kiên trì, nhưng người đi câu cá bông lau trên dòng sông Vàm Tấn phải kiên trì gấp bội. Vì trời càng khuya, mưa sương cuối năm, cộng với tiết trời hanh hanh lạnh lũ cá lại háu ăn hơn.
Suốt đêm thức trắng đợi con nước ròng, người đi câu ngồi một mình bập bềnh trên sông nước với chiếc thuyền con, làm bạn cùng với sông nước gió trăng và những ánh sao đêm. Cực là vậy, nhưng bù lại trong cảnh qua đêm, lúc sao hôm vừa sáng tỏa, những người bạn í ớ gọi nhau về họp chợ.
Nghề câu cá bông lau trên sông Vàm Tấn cũng oái oăm, không phải xuống thuyền là thành công ngay, cũng có người đi câu chưa được con nào đã mất nguyên giàn rường câu, vì không xác định được dòng nước, để tàu ghe kéo mất…
Thông thường theo con nước, người có kinh nghiệm thả câu đúng luồng thì thắng đậm, có đêm dính 5-7 con, nhưng cũng có người không bắt được con nào. Dân chuyên nghiệp thường câu cần chứ không câu dây. Vì câu cần phần lớn đều dính cá to.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hạnh - ngư dân ở xã Long Thới (Tiểu Cần, Trà Vinh) - bảo rằng: “Cái nghề này lạ lắm, có người sau một đêm có thể bắt được vài mươi con, trong khi đó rường bạn cũng thức trắng đêm chẳng được con nào. Mùa cá năm nay kéo dài một phần do có gió chướng thổi mạnh, đẩy nước biển lên sớm.
Đầu vụ năm nay bắt được nhiều cá bông lau hơn mọi năm. Chúng tôi gần như ăn ngủ luôn trên sông, lợi dụng từng con nước để bủa lưới, tranh thủ trước khi hết mùa”.
Anh Nguyễn Văn Cảnh - ngư dân chuyên về lưới cá bông lau ở xã An Thạnh Nhất (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) - bộc bạch: “Nghề này vừa dễ lại vừa khó, cái dễ là giàn câu dễ sắm, tới mùa lũ về háo hức lắm, mong lũ cá về sớm, gió chướng thổi mạnh về là xuống thuyền đi câu ngay.
Cái khó phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, như đợi đêm tối trăng, canh con nước lớn ròng, một mình giữa dòng sông mênh mông phải biết nơi nào có cá hội tụ, bằng kinh nghiệm thực tế nhiều năm phải nhìn dòng chảy để suy xét toan tính. Năm ngoái thu nhập từ cá bông lau được gần 30 triệu đồng; còn năm nay chỉ mới đi được vài chuyến, nên chưa nói được điều gì”.
Chính vì vậy, câu cá bông lau trên dòng sông Vàm Tấn hôm nay không chỉ đầy ắp niềm vui, hạnh phúc mà còn là nét văn hóa độc đáo của ngư dân hạ lưu sông Hậu, gắn liền với đời sống bình lặng, thanh thản, nhưng đầy bản lĩnh của người dân vùng sông nước thanh bình.