Chắc hẳn những người yêu Italy sẽ không bao giờ quên hình ảnh của một hậu vệ cánh trái, được gọi lên tuyển khi đã 27 tuổi và trước đó gần như vô danh. Grosso là một người Roma chính cống nhưng chưa bao giờ dám bén mảng đến những đội bóng của thủ đô là AS Roma và Lazio mà phải lang bạt hành nghề rất xa tại những vùng tỉnh lẻ là Perugia và Palermo, để rồi bất ngờ được huấn luyện viên Lippi tiệu tập lên tuyển.
Khi đó Lippi nói rằng: "Fabio là cầu thủ tạt bóng giỏi nhất Italy." Tất nhiên, vào lúc đó chẳng mấy người tin ông.
Câu chuyện về Grosso sau đó diễn ra không có gì quá đặc biệt ở 3 trận đấu vòng bảng. Grosso chơi tròn vai, khi Italy không mấy khó khăn có được 7 điểm từ các đối thủ Ghana, Mỹ và CH Séc.
Ở vòng đấu loại trực tiếp, Azzurri gặp Australia và bế tắc hoàn toàn trong hơn 90 phút. "Những chú chuột túi" chơi đơn giản và chặt chẽ dựa trên ưu thế về thể lực. Các cầu thủ Italy bắt đầu lắc đầu ngao ngán, Pirlo nói gì đó với Canavaro, trên màn hình là hai gương mặt mất nước, hốc hác, mệt mỏi và có lẽ họ đang rất ngán ngẩm khi nghĩ đến hiệp phụ...
Thế rồi, phút 90+3, Grosso có bóng bên góc trái, một cách thông thường, tất cả đều nghĩ sẽ là một quả tạt thật nhanh vào trong cho bóng tìm đến gần với vị trí của Iaquinta hay Perotta ở đâu đó trong khu vực 5m50. Nhưng Grosso bất ngờ quặt bóng lại, đó là một quyết định xử lý khác lạ ở thời điểm trận đấu chỉ còn được tính bằng giây khiến cho chính Lucas Neil cũng sững sờ, rồi giật mình đổ người và đưa chân ra theo quán tính. Chỉ chờ có thế, Grosso đổ vật người ra như thể đang chạy tốc độ cao và bị Neil đá vào chân vậy. Penalty... Totti sút và Italy vào vòng trong...
Sau trận đấu này khá lâu, Tim Cahill có lần vẫn còn cay cú mà nói rằng: "Chúng tôi đã không thua người Italy trong một trận đấu ở World Cup, chúng tôi thua họ trong một vở Opera và nhân vật chính là Fabio Grosso."
Italy sau đó tiếp tục vượt qua Ukraine khá dễ dàng, để đối đầu với chủ nhà Đức trên chảo lửa Signal Iduna Park trong trận bán kết. Khi mà tất cả đều đã nghĩ đến những loạt luân lưu 11m sau 119 phút không bàn thắng thì một lần nữa trời xui đất khiến thế nào Grosso lại xuất hiện ở góc vuông khu 16m50 bên phải, trong khi anh đá hậu vệ trái.
Nhận đường chuyền mà dân phủi hay gọi là "mắt lác" của Pirlo, Grosso nghiến răng tung một cú cứa lòng trong chân trái (lại là một pha xử lý bất thường nữa). Cú sút đó đưa trái bóng đi căng đến nỗi nó đi thẳng băng cho đến khi bay qua tầm với của Jens Lehmann rồi bỗng nhiên xoáy vào trong đủ để đi sát vào mép trong của cọt dọc. Italy dẫn 1-0, người Đức sụp đổ hoàn toàn và không thể kháng cự ở bàn thua thứ 2 từ pha bóng của Del Piero.
Khoảnh khắc rực sáng cuối cùng là hình ảnh của Grosso thực hiện quả penalty cuối cùng giúp Italy đăng quang trên sân Olimpic ở thủ đô Berlin. Grosso thực sự trở thành một ngôi sao của giải đấu, vụt sáng rực rỡ và bất ngờ như một tia chớp. Lóe lên để rồi tắt lịm vì sau đó Grosso gần như biến mất khi không để lại ấn tượng trong 2 năm khoác áo Lyon và Juventus.
Italy của 8 năm trước là vậy, còn ở Brazil năm nay thì sao? Trong một bảng đấu có cả Anh và Uruguay. Nếu tìm một ai đó có thể bùng nổ, bất ngờ và khó lường như Grosso năm nào thì người đó sẽ là ai (xét trên yếu tố họ không phải là ngôi sao, thậm chí còn khá vô danh, đến từ một câu lạc bộ nhỏ và cũng không còn quá trẻ để hy vọng vào những giải đấu tiếp theo), ai sẽ là một Grosso mới của Azzurri trong một kỳ World Cup mà "Đội quân thiên thanh" chưa bao giờ lại nghèo ngôi sao đến thế.
Mattia Darmian và Gabriel Paletta, Marco Parolo, Ciro Immobile hay Alessio Cerci...? Có thể lắm chứ. Bởi điều này gần như đã là truyền thống của đội tuyển từng 4 lần mang về Cúp vàng với những bất ngờ ngoài kỳ vọng của Poalo Rossi, của Toto Schillaci và phần nào đó là Alessandro Diamanti (của Euro 2012).
Và nếu điều đó sảy ra một lần nữa thì người Italy quả thực là kỳ tài trong việc bất ngờ tạo ra những anh hùng, theo kiểu..." ngôi sao của một giải đấu duy nhất"!
Nguồn: Vương Toàn Lâm - VietnamPlus »