Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống, để góp phần giữ gìn, phát triển các môn thể thao dân tộc, các địa phương đã khuyến khích người dân giữ thói quen luyện tập. Đối với những địa phương có sân bãi rộng, chính quyền địa phương vận động bà con tham gia luyện tập các môn thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tu lu, ném còn... Các địa phương cũng thường xuyên tổ chức thi đấu tại một số lễ hội như Lễ hội Xuống đồng, Lễ hội Gầu Tào…
Chúng tôi có mặt tại Câu lạc bộ Đẩy gậy, kéo co xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát vào một buổi chiều hè. Dù trời mưa nhưng các thành viên vẫn hăng say tập luyện các môn thể thao truyền thống. Anh Ma Seo Biển, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Được thành lập năm 2018, đến nay, câu lạc bộ có hơn 20 vận động viên tham gia tập luyện thường xuyên. Trong tháng 4 vừa qua, câu lạc bộ có 4 vận động viên được tham dự Giải Vô địch Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2021 và giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc. Ngoài việc luyện tập và thi đấu, CLB còn hướng dẫn học sinh các trường học trên địa bàn xã kỹ thuật thi đấu môn đẩy gậy, kéo co…
Đối với câu lạc bộ, khó khăn nhất là kinh phí duy trì hoạt động, thi đấu. Để tham gia giải thể thao cấp tỉnh, tất cả đều phải “tự biên, tự diễn”, từ chuyện làm thủ tục đăng ký đến kinh phí đi lại, ăn, ngủ. “Câu lạc bộ mong cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ngành chức năng đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện tập luyện cho vận động viên” - anh Ma Seo Biển cho biết.
Năm 2020, số người luyện tập các môn thể thao dân tộc thường xuyên là gần 262.000 người (chiếm 35% dân số toàn tỉnh). Đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đã có sân thể thao rộng rãi, phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân; toàn tỉnh có gần 1.000 câu lạc bộ thể thao, trong đó thể thao dân tộc chiếm 10%. Qua khảo sát của ngành chuyên môn, tất cả các câu lạc bộ thể thao dân tộc đều hoạt động tốt và hiệu quả.
Theo ông Đặng Thanh Tùng, Trưởng Phòng Quản lý Thể dục - Thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngoài giữ gìn nét đặc trưng trong văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của mỗi dân tộc, các môn thể thao dân tộc còn giúp người tham gia rèn luyện sức khỏe, duy trì sự dẻo dai. Các môn thể thao phổ biến gắn liền trong các lễ hội đều bắt nguồn từ đời sống với lịch sử phát triển và cả những triết lý nhân sinh của các dân tộc vùng cao. Tất cả có điểm chung là dễ tập, dễ chơi, không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, không nặng nề về ganh đua, chỉ mang ý nghĩa giải trí, giao lưu, tăng cường tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh cộng đồng.
Cùng với việc tổ chức các giải đấu cấp cơ sở, hằng năm, chính quyền các cấp và ngành văn hóa còn tổ chức nhiều giải đấu cấp tỉnh liên quan đến các môn thể thao dân tộc. Tại đây, các vận động viên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thi đấu. Qua các giải đấu, địa phương lựa chọn được những vận động viên tiêu biểu để tiếp tục bồi dưỡng, trở thành lực lượng nòng cốt tham gia các giải đấu khu vực, toàn quốc, trước mắt là Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII được tổ chức vào tháng 8/2021 tại tỉnh Lào Cai. Ông Đặng Thanh Tùng cho biết thêm.
Được biết, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành thêm nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là giới trẻ tham gia tập luyện nhằm giữ gìn các môn thể thao dân tộc.
Tin rằng việc quan tâm đối với các môn thể thao dân tộc sẽ góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời nâng cao sức khỏe, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.