"Chuyên môn là vấn đề đặc biệt được chú trọng tại giải vô địch Thể dục dụng cụ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V" theo nhận định của bà Nguyễn Kim Lan - Trưởng Bộ môn Thể dục Uỷ ban Thể dục Thể thao. Đồng thời đây sẽ là thời điểm quan trọng để cho các nhà chuyên môn đánh giá, lựa chọn VĐV tham gia thi đấu tại ASIAD 15 cuối năm nay bởi các môn Thể dục ít có cơ hội thi đấu trong nước cũng như quốc tế.
Tham dự Giải chỉ có 30 VĐV thuộc 5 đoàn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quân Đội và Trung tâm HLTTQG I. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi Thể dục mang một số đặc thù riêng và số VĐV tham gia tập luyện không nhiều, các địa phương cũng ít đầu tư cho môn thể thao này, rất khó phát triển phong trào theo chiều rộng.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, đoàn VĐV Hà Nội vừa trở về sau chuyến tập huấn dài hạn tại Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục khẳng định vị thế. Mục tiêu của đoàn Hà Nội là đoạt 5-6 HCV. Các VĐV sẽ tham gia tranh tài ở 14 bộ huy chương: 6 bộ huy chương của nữ (đồng đội, toàn năng và 4 dụng cụ) và 8 bộ huy chương của nam (đồng đội, toàn năng và 6 dụng cụ). Khác với môn TDDC, thế mạnh Sport Aerobic lại thuộc về đoàn TP. Hồ Chí Minh. Diễn ra sau giải Thể dục dụng cụ (18-22/8), giải Sport Aerobic tổ chức từ ngày 22-28/8 cũng tại Cung Thể thao Tổng hợp Quần Ngựa. VĐV đăng ký tham gia giải này đông hơn với 65 VĐV đến từ các đơn vị: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Theo điều lệ, các VĐV tranh tài ở 5 bộ huy chương: đơn nam, đơn nữ, đôi nam nữ phối hợp, nhóm 3 người, tập thể 6 người.
Tại buổi họp báo hôm qua (14/8/2006), BTC đã thông báo giải vô địch quốc gia Thể dục nghệ thuật sẽ không được tổ chức như dự kiến. Giống như các môn thể thao khác trong hệ thống các môn thể dục, môn thể thao này đã không thu hút được sự đầu tư của các địa phương (chỉ có 2 địa phương là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đăng ký). Do vậy, giải không được tổ chức trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V mà chỉ tính theo hệ thống thi đấu toàn quốc như mọi năm.