Vấn đề giáo dục đạo đức trong hoạt động TDTT
Giáo dục đạo đức là quá trình tác động nhằm làm cho người được giáo dục nhận thức được ý nghĩa của những việc làm mà trong hoạt động sống của họ cần phải hành động theo những chuẩn mực, nguyên tắc đã được xã hội thừa nhận. Trong xã hội dân sự-xã hội công dân, mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đạo đức của con người sống trong xã hội hiện đại ngày nay được điều chỉnh không chỉ bằng dư luận xã hội mà còn được điều chỉnh bằng những quy định của luật pháp. Các quy tắc ứng xử trong xã hội đang dần được luật hoá, ví dụ như các quy định về đạo đức của người thầy thuốc, đạo đức của nhà giáo, nhà báo...hay như vấn đề đạo đức trong gia đình trước đây nay đã được luật hoá trong luật Hôn nhân và gia đình, trong luật Phòng, chống bạo lực gia đình.v.v.
Giáo dục đạo đức là công việc hết sức khó khăn và gian khổ đòi hỏi phải kiên trì , bền bỉ, liên tục lâu dài, sáng tạo có hệ thống. Công việc này được thực hiện dựa trên những điều kiện kinh tế xã hội cụ thể với những hình thức và phương pháp hết sức sáng tạo đa dạng phù hợp với từng đối tượng trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau.
Giáo dục đạo đức cho huấn luyện viên, trọng tài, giáo viên TDTT và VĐV thể thao là công việc mà ngành TDTT và toàn xã hội nhiều năm qua đã thực hiện và thu được nhiều kết quả tốt đẹp góp phần to lớn vào xây dựng con người mới và đào tạo được nhiều thế hệ VĐV ưu tú cho đất nước. Tuy nhiên, trong thời kỳ mới công tác giáo dục đạo đức cho cán bộ, VĐV thể thao cần được đổi mới về nội dung và phương pháp giáo dục để đạt hiệu quả cao hơn. Một trong những nội dung và phương pháp đó là việc nghiên cứu những quy định của pháp luật về thể dục thể thao quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, VĐV thể thao; quy định về những hành vi được làm, được khuyến khích và những hành vi bị nghiêm cấm, không khuyến khích đối với những người tham gia hoạt động thể dục, thể thao.
Giáo dục đạo đức cho cán bộ, VĐV cần được chú trọng toàn diện về nội dung và phương pháp, trong đó những quy định của pháp luật phải là những nội dung được đặc biệt coi trọng. Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời cũng chính là giáo dục đạo đức và ngược lại làm tốt giáo dục đạo đức góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật từ đó hạn chế tiến tới loại bỏ các biểu hiện tiêu cực phi đạo đức trong các hoạt động thể dục, thể thao.
Những quy định của pháp luật này cần được phổ biến tới mọi tầng lớp nhân dân để mọi người hiểu và chấp hành pháp luật một cách tự giác, đặc biệt cần biên soạn thành giáo trình và tiến hành tổ chức giảng dạy trong các trường TDTT; biên soạn thành tài liệu hướng dẫn triển khai giáo dục đạo đức cho VĐV tại các cơ sở đào tạo VĐV trong cả nước phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền, địa phương. Trong quá trình giáo dục đạo đức cho cán bộ , VĐV cần phải làm cho mọi người hiểu đầy đủ về quyền và nghĩa vụ luôn luôn đi đôi với nhau, những người có ý thức và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật là những người cơ bản có đạo đức tốt. Giáo dục đạo đức không đơn thuần chỉ là nghiên cứu học tập những bài giảng về những quy định trong văn bản, sách vở mà cần phải tổ chức hoạt động thực tiễn để cán bộ, VĐV thể hiện hành vi đạo đức của mình. Giáo dục ý thức trách nhiệm công dân cho cán bộ, VĐV là quá trình kế thừa và tiếp tục công tác giáo dục đạo đức của nhà trường, gia đình và xã hội trong môi trường hoạt động thể thao.
Các hành vi biểu hiện trong hoạt động thể dục, thể thao ngoài việc được điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật còn được điều chỉnh bằng dư luận xã hội biểu dương khích lệ đối với những hành vi mang tính nhân văn tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong tập luyện cũng như trong thi đấu thể thao, đồng thời lên án những hành vi thiếu đạo đức như kèn cựa, tự phụ, kiêu căng tự mãn, coi thường người khác.
Chúng ta đang triển khai thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đó chính là đưa tư tưởng, đạo đức của Người trở thành lẽ sống của mỗi người dân Việt Nam trong đó có lực lượng cán bộ, trọng tài, VĐV thể thao. Mỗi cán bộ, VĐV làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là thể hiện bằng hành động trong từng thời điểm cụ thể có ý thức tự chọn cho mình một việc làm có ý nghĩa thể hiện rõ nét nhất về đạo đức theo tấm gương của Bác như: Tận tuỵ trong công việc huấn luyện, giáo dục VĐV của người huấn luyện viên, giáo viên thể dục, thể thao. Cần cù tập luyện không ngại khó, ngại khổ đối với các VĐV. Tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động thể thao của cán bộ quản lý. Trọng tài phải công tâm trong khi làm nhiệm vụ. Chủ các doanh nghiệp thể thao phải chăm sóc tận tình đối với VĐV, người tập... Luật Thể dục, thể thao là sự thể chế hoá đường lối của Đảng về Thể duc, thể thao trong đó những tư tưởng của Bác về Thể dục, thể thao được thể hiện xuyên suốt và tấm gương đạo đức thường xuyên chăm lo đến sự nghiệp thể dục thể thao cho nhân dân và gương mẫu trong luyện tập thể thao rèn luyện sức khoẻ của Người “tự tôi ngày nào cũng tập” (lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ Tịch Hồ Chí Minh), luôn ngời sáng cho mỗi cán bộ, VĐV thể thao noi theo.
Vũ Trọng Lợi