Kỳ 2: Nguyên nhân khiến cho môn GDTC trong trường học chưa thực sự đem lại hiệu quả
Để tìm hiểu về nguyên nhân khiến cho môn GDTC trong trường học chưa thực sự đem lại hiệu quả, chúng tôi đã tìm gặp những thày giáo, cô giáo có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm và cả những em học sinh - những người đang trực tiếp thụ hưởng chương trình môn học này để có được cái nhìn khách quan nhất về vấn đề trọng yếu mà cả xã hội đang quan tâm.
Theo ý kiến của các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học thì có rất nhiều nguyên nhân khiến cho môn GDTC trong trường học chưa thực sự đem lại hiệu quả, gồm những nguyên nhân chính sau: Nói chung chương trình môn GDTC chính khoá hiện nay có thời lượng quá lớn: đơn cử như đối với lớp 6 trong một tiết học Thể dục mà có quá nhiều nội dung cần phải truyền tải, gồm chạy ngắn, nhảy xa, các bài tập thể dục tự do... đã gây nên hiện tượng "quá tải" cả về kiến thức lẫn sức khoẻ đối với các em, trong nhiều trường hợp thậm chí phản tác dụng.
Thầy Phạm Tuyên - Hiệu trưởng trường PTTH Ngô Thì Nhậm cho biết: "Hiện nay, theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, môn học GDTC được học xen kẽ với các môn văn hoá. Nếu học buổi sáng thì nhà trường thường bố trí vào tiết 2 và tiết 3 khó lắm là đến tiết 4, riêng tiết 1 và tiết 5 thì nhà trường thường không xếp lịch học. Quãng thời gian này nếu là mùa đông thì thời tiết không ủng hộ còn vào tiết 5 thì các em học đã mệt rồi dẫn đến chất lượng môn học sẽ kém. Môn học này thường học giải rác trong tuần vì lượng giáo viên biên chế có hạn nếu không bố trí khéo sẽ không đủ giáo viên dạy".
Nội dung chương trình môn học không đổi mới, "dập khuôn" và những động tác đã "đi vào lịch sử" vẫn được đem ra giảng dạy khiến học sinh nhàm chán. Ví dụ, hiện nay trên thế giới áp dụng kiểu nhảy cao “lưng qua xà”, thì ở chương trình THCS còn dạy kiểu “bước qua” (hay còn gọi là “cắt kéo”), rồi kiểu “úp bụng qua xà”. Bên cạnh việc không chịu đổi mới về nội dung, hình thức giảng dạy, chương trình GDTC trong nhà trường còn quá "tham lam, ôm đồm" khi muốn đào tạo toàn diện các em học sinh, đòi hỏi các em không chỉ biết chơi mà còn phải hiểu cả Luật của những môn thể thao đó, đồng thời đặt ra những yêu cầu quá cao khi kiểm tra. Chẳng hạn như môn chạy 80m dành cho nữ sinh lớp 10, nếu chạy 15 giây chỉ đạt điểm 5 mà phải đạt 13 giây mới giành điểm tối đa, vì vậy, để ráng chạy cho có điểm cao, không ít học sinh đã ngất xỉu.
Nói về vấn đề này, thày Phạm Văn Đàm - Hiệu trưởng trường THCS Yên Sơn nhấn mạnh: "Một trong những nguyên nhân tiếp nữa khiến cho môn GDTC trong trường học chưa thực sự đem lại hiệu quả là do thiếu đội ngũ giáo viên đúng chuyên ngành. Đa phần lực lượng giáo viên dạy môn Thể dục tại các trường THCS, THPT hiện nay trên toàn quốc nói chung và các tỉnh miền núi nói riêng đều là các giáo viên dạy kiêm nghiệm, không có trình độ chuyên môn, thiếu kỹ năng sư phạm và chính sách giành cho những giáo viên môn GDTC chưa thực sự thoả đáng, khiến họ không thể "toàn tâm, toàn ý" vào công việc giảng dạy. Hơn nữa, còn nhiều điểm chưa thật sự cụ thể và thống nhất như nhiều môn học tự chọn chúng tôi phải tự tìm hiểu rồi tự dạy cho học sinh chứ không có một sự hướng dẫn cụ thể hay quy định chung nào cho các môn học này, giáo viên chuyên ngành cho từng môn là không có".
Học sinh Tạ Đức Hà lớp 10A3 Trường PTTH Ngô Thì Nhậm cũng có cùng ý kiến: "Đây là môn học rất bổ ích cho lứa tuổi của chúng em, không những tạo ra sự thoải mái về tinh thần mà còn giúp chúng em hoà đồng với bạn bè, tăng cường tình đoàn kết và tinh thần tập thể. Song giáo viên hướng dẫn chuyên sâu cho từng môn thì chưa có đủ nên chất lượng học chưa thật cao, sân tập còn ít nên các buổi ngoại khoá chúng em không được học nhiều, điều đó phần nào làm giảm chất lượng của môn học Thể dục".
Việc soạn thảo chương trình giảng dạy môn thể dục đã gặp nhiều bất cập khi kiểm chứng qua thực tế. Đó chính là việc những người soạn thảo chương trình đã không để ý đến thực tế cơ sở vật chất của hầu hết trường học ở VN, không thể đảm bảo cho việc dạy và học tốt. Cụ thể, các trường không thể nào đảm bảo an toàn cho học sinh nếu dạy đúng chương trình các môn nhảy xa, nhảy cao, thể dục dụng cụ...
Cô giáo Phạm Thị Thoa - Trưởng bộ môn Thể dục Trường PTTH Ngô Thì Nhậm tâm sự: "Năm nay, môn Thể dục đã thay sách, mà thay sách thường là đi kèm những thiết bị liên quan, song đến nay cơ sở vật chất tối thiểu để đáp ứng nhu cầu đổi mới vẫn chưa có. Ví dụ như môn học Nhảy cao yêu cầu phải có đệm cho học sinh học nhưng đến thời điểm này trường vẫn chưa nhận được một chiếc đệm nào nên các em phải học bằng hố cát, như vậy rất nguy hiểm và ảnh hưởng nhiều đến thành tích của các em".
Như vậy có thể thấy, do muôn vàn những nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động vào, môn GDTC trong trường học chưa thực sự được quan tâm và đầu tư đúng mức. Sự hạn chế về trình độ năng lực của giáo viên và thiếu cơ sở vật chất là 2 nguyên nhân chính khiến mỗi giờ học Thể dục trở nên nhàm chán và tẻ nhạt. Thiết nghĩ, cần có những biện pháp đổi mới toàn diện để các giờ học GDTC thực sự phát huy được tác dụng tích cực của nó.
(còn tiếp)
Nguyệt Hương