Kỳ 3: Cuộc cách mạng về GDTC trong trường học sẽ làm nên điều kỳ diệu
Tuân theo những quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo về chương trình môn học Thể dục đã không phát huy tối đa tính ưu việt của môn học này, vì thế nhiều trường đã mạnh dạn "làm một cuộc cách mạng" với hy vọng cứu vãn được tình hình không mấy khả quan của môn học Thể dục. Xuất phát từ thực tế học sinh quá chán khi học các môn chạy, nhảy, ném, đẩy.. nên nhiều trường đã mạnh dạn gạt bỏ những tiết học không cần thiết để thay thế bằng những môn tự chọn. Việc "xé rào" của một số trường, bất ngờ đã đem lại hiệu quả và tạo cho học sinh niềm hứng thú đối với môn học. Trao đổi vấn đề này với các giáo viên trực tiếp dạy môn Thể dục, chúng tôi đã nhận được nhiều giải pháp và kiến nghị rất sát hợp, thiết thực. Thiết nghĩ Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng cần "lắng nghe" và có sự điều chỉnh phù hợp.
Thày giáo Phạm Văn Đàm - Hiệu trưởng trường THCS Yên Sơn nêu ra ý kiến: "Đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo nên rà soát lại nhân sự tại các trường để có đủ điều kiện và định mức giáo viên Thể dục trên một lớp học. Có chính sách, biên chế cụ thể, rõ ràng tránh trường hợp năm nay trường gồm 10 lớp có một giáo viên Thể dục nhưng năm sau trường có 15 lớp cũng chỉ có một giáo viên. Như vậy giáo viên không thể dạy được vì không đủ sức, làm ảnh hưởng tới chất lượng bài giảng .
Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng cần được quan tâm, đầu tư. Nếu chỉ trang bị một lần thì những năm tiếp theo các thiết bị đã bị cũ, hao mòn, hư hỏng, mất mát... Theo tôi, việc trang bị hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học cần có định kỳ nhất định, cứ 5 năm nên trang bị lại một lần. Có như vậy mới đảm bảo cho môn giáo dục thể chất đạt hiệu quả cao trong thực tế, góp phần nâng cao thể chất cho nguồn nhân lực của đất nước về lâu về dài. Việc định hướng, xây dựng các trường chuẩn có phòng học đa năng phục vụ đủ cho môn học này và nhu cầu tập luyện của học sinh cũng cần được Bộ Giáo dục - Đào tạo xem xét và tìm hướng tháo gỡ.
Thày Phạm Tuyên - Hiệu Trưởng trường PTTH Ngô Thì Nhậm nói: "Chương trình học GDTC trong trường học 10 năm trở lại đây chưa có gì thay đổi. Những môn chạy, nhảy, ném, đẩy và các bài tập thể dục nhịp điệu... vẫn là nội dung học bắt buộc khiến học sinh nhàm chán và đối phó mỗi khi có tiết. Một số môn thể thao mũi nhọn của nước ta hiện nay như: Cầu mây, Karatedo, Bóng ném... đều không được đưa vào chương trình học. Đó là một thiệt thòi cho các em. Ví dụ như môn Bóng ném trong chương trình học cấp II các em sẽ có dịp được học nhưng lên cấp III lại không tiếp tục được học. Như vậy không những khiến chương trình học bị đứt đoạn, kiến thức bị xé lẻ mà còn làm cho phong trào tập luyện của các em bị xút giảm. Theo tôi, ngành TDTT và Bộ Giáo dục - Đào tạo nên có sự kết hợp hài hoà, làm sao gắn được các môn học phong trào với các môn thể thao mũi nhọn của nước nhà. Những môn học này cũng nên có sách học, hướng dẫn cụ thể, có giáo viên chuyên ngành dạy, hướng dẫn cho các em tập luyện. Có như vậy, chất lượng, tác dụng môn học sẽ hiệu quả hơn".
Thày Nguyễn Vân Chính giáo viên môn Thể dục cho biết: "Theo tôi, hiện số tiết học GDTC trong trường PTTH là ít. Bộ Giáo dục - Đào tạo nên tăng số tiết học của môn này lên và có buổi học dành riêng cho Thể dục (hoặc sáng, hoặc chiều), không nên xen lẫn vào các tiết học văn hoá trong cùng một buổi học. Điều đó sẽ giúp việc học Thể dục tập trung hơn, tránh ảnh hưởng tới các giờ học văn hoá sau đó và thuận tiện trong việc chọn trang phục cho phù hợp với môn học.
Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, vì vậy Nhà nước mà cụ thể là Bộ Giáo dục - Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan cần quan tâm nhiều hơn nữa cho sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên trong cả nước, đặc biệt từ những cấp tiểu học trở lên. Có như vậy đất nước mới vươn cao và xa hơn nữa".
Từ những phản ánh và thực tế về chất lượng môn học GDTC trong trường học ở một thị xã miền núi đã cho thấy sự đúng - sai và cần thiết phải đối mới chương trình giảng dạy Thể dục của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Mặc dù, qui định của Bộ về chương trình học (một số môn bắt buộc) là Pháp lệnh, song nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học này đã linh động và được sự đồng ý của lãnh đạo Nhà trường thay đổi một số nội dung học cho thêm phần phong phú. Hành động "xé rào" của một số trường đã mang lại hiệu qủa và đó là dấu hiệu cảnh báo cho Bộ Giáo dục - Đào tạo về sự cần thiết phải điều chỉnh lại chương trình môn học GDTC trong trường học.
Nguyệt Hương