Phần I: Những thành tựu của TDTT Việt Nam giai đoạn 2002 - 2010
Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, thể dục thể thao nước ta đã có những bước tiến bộ rõ nét, nhiều nội dung của Chỉ thị đã đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thể dục thể thao quần chúng ở cơ sở tiếp tục được phát triển rộng trên tất cả các đối tượng và địa bàn theo hướng xã hội hoá với nhiều hình thức đa dạng. Chất lượng phong trào từng bước được nâng lên. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng, góp phần nâng cao sức khoẻ, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở cơ sở. Hoạt động TDTT của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm hơn; các môn thể thao dân tộc, các phương pháp dưỡng sinh cổ truyền, các trò chơi dân gian và một số môn thể thao dân tộc được khôi phục và phát triển mạnh mẽ.
Đến năm 2009, cả nước có 22,8% dân số thường xuyên luyện tập TDTT; 14,8% hộ gia đình luyện tập TDTT, có 92% số trường học thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất bắt buộc; 24% số trường có hoạt động ngoại khoá thường xuyên; có 97% số cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.
Đặc biệt, Thể thao thành tích cao có tiến bộ rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới và Châu lục. Kể từ 2003 - 2010, thể thao Việt Nam liên tục đứng trong nhóm 3 nước dẫn đầu trong các kỳ SEA Games; trong 2 kỳ Đại hội thể thao Châu Á gần đây Việt Nam đứng trong top 20 của Châu lục; trong các kỳ Đại hội thể thao Olympic năm 2000 và năm 2008 đã giành được 02 HCB. Năm 2009, Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà thành công về mọi mặt; Đoàn Thể thao Việt Nam đã thể hiện bước tiến mạnh mẽ đạt ngôi Á quân với 42 HCV, 30 HCB, 22 HCĐ. Đặc biệt, trong năm 2010 TTVN đã có những bước tiến vượt trội.
Bên cạnh đó, SEA Games 25, Thể thao Việt Nam vươn lên xếp vị trí thứ 2 toàn đoàn, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong các cuộc thi đấu giải vô định thế giới từng môn thể thao, Thể thao Việt Nam đã có 60 lần giành danh hiệu vô định ở các môn Wushu, Pencaksilat, Cờ vua, Đá cầu...
Công tác tổ chức, quản lý ngành được tăng cường một bước quan trọng và đang dần được củng cố. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành TDTT bước đầu được quy hoạch, đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới. Quan hệ quốc tế về thể thao ngày càng được mở rộng. Những kết quả đó đã góp phần vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trước những yêu cầu mới, sự nghiệp thể dục thể thao cần được tiếp tục phát triển theo những quan điểm đã nêu trong Chỉ thị 17-CT/TW và phương hướng, nhiệm vụ đã được Đại hội X của Đảng đề ra với các nhiệm vụ như:
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của TDTT trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phát triển TDTT phải được coi là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội và của nhân dân. Phát triển sâu, rộng và nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng, gắn với cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học.
Từng bước hiện đại hoá hệ thống đào tạo tài năng thể thao quốc gia; đổi mới công tác tuyển chọn, tổ chức, điều hành phát triển các môn thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp. Ổn định và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về TDTT, cải cách hành chính trong điều hành các hoạt động TDTT.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong mọi lĩnh vực họat động TDTT. Đổi mới về tổ chức và kiện toàn Ủy ban Olimpic, các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, phát triển hệ thống liên đoàn, hiệp hội thể thao đến cơ sở.
Phát triển mạnh các loại hình kinh tế, dịch vụ thể thao, tập trung vào các dịch vụ: chăm sóc sức khoẻ, thể thao giải trí gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch và lễ hội, tổ chức sự kiện; sản xuất trang, thiết bị, dụng cụ thể dục thể thao...
Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế đa phương và song phương trên cơ sở bình đẳng học tập, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển sự nghiệp TDTT;
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động về lĩnh vực TDTT và triển khai các đề án chiến lược về phát triển TDTT trong giai đoạn mới;
Đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước về thể dục thể thao, kết hợp với việc đẩy mạnh quá trình xã hội hóa thể dục thể thao và phát triển thể thao chuyên nghiệp;...
Những kết quả trên được cho là bước tạo đà quan trọng để Thể thao Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Thực tiễn cũng đã cho thấy sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng có vai trò vô cùng quan trọng, mang tính quyết định đến sự phát triển của nền thể thao nước nhà. Tuy nhiên, để sự nghiệp TDTT nước ta ngày một phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi lần đầu tiên ngành TDTT có Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 cùng với Đề án nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam (đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt) thì sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác TDTT lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này đã được khẳng định tại Hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị vừa được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 5/2011.
(còn tiếp)