Bình Định có khá nhiều dân tộc thiểu số (DTTS), tập trung ở 31 xã thuộc các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát. Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của tỉnh, ngành, sự nỗ lực của các địa phương, đã có nhiều môn thể thao truyền thống được đưa vào thi đấu tại các giải thể thao cấp tỉnh và cơ sở như bắn nỏ, bắn ná, đẩy gậy, phóng lao, chạy vượt đồi dốc, đua thuyền, kéo co, đi cà kheo… tạo thêm cơ hội cho các VĐV và người dân được giao lưu, thi đấu.
Ở cấp tỉnh, Sở VH-TT&DL định kỳ tổ chức Ngày hội VH-TT miền núi hai năm một lần, luân phiên ở các huyện miền núi và huyện có đồng bào DTTS, đến nay đã diễn ra 11 lần, thu hút đông đảo số đoàn, số VĐV tham gia với chất lượng cao, góp phần củng cố và phát triển các môn thể thao dân tộc truyền thống của từng địa phương.
Từ năm 2009 đến năm 2013, đoàn thể thao DTTS tỉnh Bình Định tham dự các Hội thao DTTS toàn quốc đều đạt thành tích cao, đặc biệt tại Hội thao DTTS toàn quốc năm 2009 đã đoạt 6 HCV, 4 HCB, 4 HCĐ (môn bắn nỏ). Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V năm 2010, đoàn Bình Định giành được 1 HCV, 2 HCB và 4 HCĐ (môn bắn nỏ, bắn ná), Hội thao DTTS toàn quốc năm 2011 đoạt 9 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ (môn bắn nỏ, bắn ná).
Trong các môn thể thao truyền thống ở tỉnh ta, môn bắn nỏ có “bề dày” thành tích nhất khi đi thi đấu. Tuy nhiên, việc phát triển môn thể thao này cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Võ Đình Hùng, HLV Đội tuyển bắn nỏ tỉnh Bình Định, khó khăn lớn nhất là bắn nỏ Bình Định chưa xây dựng được vệ tinh ở các làng dân tộc. Bên cạnh đó, đời sống của VĐV là đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn, không có nhiều thời gian cho luyện tập và thi đấu. Ngoài ra, theo ông Hùng, việc VĐV kì cựu Đinh Nhin (dân tộc Bana, ở làng Kon Giọt 1, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn) đã qua đời sẽ “gây khó” cho môn bắn nỏ của tỉnh phát triển thành tích trong tương lai. Không chỉ là VĐV giàu kinh nghiệm và thành tích, “lão làng” Đinh Nhin còn là người thiết kế và chế tạo trên 95% số nỏ thi đấu của VĐV Bình Định.
Ở các huyện có đồng bào DTTS sinh sống, dù còn nhiều khó khăn nhưng địa phương đã vận động nhân dân tự đóng góp xây dựng sân bãi và kinh phí cho tập luyện, giao lưu thi đấu thường xuyên. Bên cạnh đó, việc phục dựng các lễ hội lâu đời, tổ chức ngày hội VH-TT đầu xuân tại các địa phương cũng góp phần thiết thực vào việc bảo tồn các môn thể thao dân tộc. Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn, cho biết: “Việc tổ chức các giải đấu, các hoạt động TTDT đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống của huyện. Các hoạt động này luôn thu hút đông đảo người dân từ khắp các xã, thị trấn trên địa bàn tham dự, thi tài, cũng là cơ hội để thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống quê hương”.
Hiện nay trong xu thế hội nhập, các môn thể thao truyền thống đang có nguy cơ mai một. Do đó, ngành TDTT có hướng phát triển toàn diện, đưa các môn thể thao này vào chương trình thi đấu và luật hóa chúng để tiện cho việc đánh giá phong trào. Đồng thời, xây dựng cơ sở vật chất tại các thôn, bản, định kỳ tổ chức các Hội làng, Lễ hội truyền thống, Ngày hội VH-TT của từng dân tộc, Hội khỏe Phù Đổng trong các trường học phổ thông dân tộc nội trú, hằng năm tổ chức các giải thể thao thôn, xã gắn với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Mặt khác, sự chủ động của các địa phương trong việc tổ chức các giải đấu thể thao có những môn truyền thống là cần thiết.
MỘC LAN