Đau cổ tay khiến cho nhiều sinh hoạt thường ngày của người bệnh bị ảnh hưởng. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra? Bài viết sau sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ vấn đề này cùng với cách đối phó đau cổ tay hiệu quả.
Nguyên nhân gây đau cổ tay
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay phát triển khi một dây chằng dày lên và chèn ép dây thần kinh. Điều này dẫn đến đau, tê và khiến tay yếu sức. Thông thường, bệnh nhân béo phì, tiểu đường hay viêm khớp có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Những người có công việc đòi hỏi nâng, đánh máy hoặc sử dụng nhiều thiết bị cũng bị hội chứng ống cổ tay.
Chấn thương cổ tay
Bạn có thể bị đau cổ tay nếu gặp phải chấn thương trước đó. Bong gân, gãy xương và viêm dây chằng là những dạng chấn thương thường gặp ở cổ tay. Cổ tay thường sưng tấy, xuất hiện vết thâm tím hoặc các khớp bị biến dạng gần cổ tay. Trong một số trường hợp, thương tổn này có thể xảy ra ngay sau tác động của một chấn thương.
Bệnh Gout
Bệnh Gout xảy ra khi có quá nhiều axit uric tích tụ trong cơ thể bạn. Chất này sinh ra do cơ thể phân hủy các thực phẩm chứa purine. Khi axit uric tích tụ trong khớp, nó sẽ dẫn đến đau và sưng. Thông thường, cơn đau xảy ra ở đầu gối, mắt cá chân, cổ tay và bàn chân.
Viêm khớp
Đây là chứng viêm ở khớp do sự hao mòn bình thường, lão hóa và quá trình hoạt động quá mức ở bàn tay. Có rất nhiều dạng viêm khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp hay viêm khớp vẩy nến.
Làm thế nào để đối phó với đau cổ tay?
Để chẩn đoán đau cổ tay, bác sĩ sẽ đề nghị một số kiểm tra, xét nghiệm nhất định, bao gồm chụp X-quang, điện cơ hoặc thử nghiệm vận tốc thần kinh. Hoặc họ có thể yêu cầu khám sức khỏe lâm sàng để chẩn đoán một cách cẩn thận.
Các lựa chọn điều trị đau cổ tay sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau của bạn:
- Đối với hội chứng ống cổ tay, bạn có thể giảm viêm bằng cách đeo vòng hoặc nẹp cổ tay. Hoặc bạn có thể sử dụng liệu pháp chườm lạnh hoặc chườm nóng khoảng 10–20 phút. Bác sĩ sẽ đề nghị dùng thuốc giảm đau như naproxen, ibuprofen, thuốc kháng viêm không steroid (còn gọi là NSAIDs) hoặc thuốc có hoạt chất meloxicam;
- Đối với bệnh Gout, dùng thuốc giảm đau như naproxen, ibuprofen hoặc thuốc có hoạt chất meloxicam; uống nhiều nước; cắt giảm các thực phẩm giàu chất béo, rượu bia và uống thuốc theo toa để giảm mức axit uric là những phương pháp điều trị thích hợp;
- Trong trường hợp chấn thương cổ tay, bác sĩ sẽ đề nghị đeo nẹp cổ tay, giữ cho cổ tay thư giãn, dùng thuốc giảm đau nhẹ (như ibuprofen hoặc thuốc có hoạt chất meloxicam) hay chườm đá lạnh vào vùng bị ảnh hưởng;
- Với tình trạng viêm khớp, bạn nên gặp bác sĩ vật lý trị liệu để chẩn đoán chính xác và nhận được phác đồ điều trị thích hợp.
Hơn nữa, bạn có thể giảm đau cổ tay bằng cách thử các biện pháp sau:
- Thay bàn phím cũ của bằng một cái mới với thiết kế an toàn để giữ cho cổ tay của bạn uốn cong lên trên;
- Giữ bàn tay thư giãn trong khi gõ hoặc làm quá nhiều việc;
- Làm việc với nhà vật lý trị liệu để củng cố và kéo căng cổ tay bạn;
- Uống nhiều nước thay vì rượu bia hay các chất kích thích;
- Ăn các thức ăn lành mạnh và hạn chế ăn gan, cá cơm hoặc cá muối;
- Dùng thuốc theo đúng toa của bác sĩ.
Chị em phụ nữ nói riêng với công việc nội trợ bận rộn, luôn phải sử dụng đến đôi tay của mình cũng khiến cho nhiều người mắc phải tình trạng đau cổ tay. Bạn có thể tham khảo những thông tin trên để đối phó hiệu quả với vấn đề đau cổ tay nhé.