Tuy nhiên, dù ít nhiều đã cho thấy hiệu quả thì mô hình giải đấu nội bộ trong các đội tuyển chỉ là giải pháp tình thế, không thể là “món” duy nhất của các tuyển thủ trong một khoảng thời gian quá dài. Những gì đã diễn ra với đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam và đội tuyển bóng đá quốc gia cho thấy điều này.
Như đã biết, V.League đã trải qua mùa giải 2021 biến động với điều chưa có tiền lệ: Giải buộc phải dừng lại mà không có đội vô địch do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, những vòng đấu cuối cùng không thể tổ chức như kế hoạch đề ra. Điều quan trọng hơn là các cầu thủ, bao gồm cầu thủ của câu lạc bộ thuộc nhiều hạng đấu chứ không chỉ V.League, lâm vào cảnh “đói bóng”, thậm chí đứng trước tương lai bất định khi không biết bao giờ các giải đấu mới được nối lại và liệu đội bóng của mình có bị giải thể hay không...
Quy định giãn cách khiến nhiều đội bóng, nhiều cầu thủ không thể duy trì nhịp tập luyện, thi đấu như trước, điều đó ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, thể lực, khả năng chuyên môn của đa số. Với đội tuyển quốc gia, để khắc phục hạn chế đó, đã có hai trận đấu tập “nội bộ” được tổ chức mà “quân xanh” là đội tuyển U23 quốc gia - những người cũng đang cần lấy lại cảm giác thi đấu để chuẩn bị cho các trận đấu vòng loại Giải bóng đá U23 châu Á năm 2022. Nhưng như thế là chưa đủ.
Chúng ta đã thấy ảnh hưởng của việc nghỉ thi đấu kéo dài khi chứng kiến sự xuống phong độ ở nhiều tuyển thủ, bao gồm cả những vị trí “không thể thay thế”. Chấn thương tới nhiều hơn, ngay cả những người “khỏe như trâu” cũng không tránh khỏi... Đội tuyển quốc gia thua cả 4 trận trong hai tháng qua, không chỉ do đối thủ mạnh hơn; đội tuyển U23 chơi không tốt trong 2 trận đấu giao hữu tại UAE với đội tuyển của hai quốc gia vùng Trung Á dù kết quả không tệ, với 1 trận hòa (1-1), 1 trận thắng (3-0)...
Bởi thế, một vài giải/trận đấu nội bộ khó giúp thể thao Việt Nam vững vàng trong ngày trở lại. Điều quan trọng là tìm cách nhanh chóng đưa các VĐV trở lại nhịp tập luyện, thi đấu bình thường.
Theo Hanoimoi