Ông Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Nghiệp vụ Thể dục Thể thao (TDTT), (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hàng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về lợi ích của việc tập luyện TDTT nói chung, các môn thể thao dân tộc nói riêng đến tất cả các đối tượng như: Công nhân viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, thanh niên, học sinh, sinh viên, phụ nữ, người cao tuổi và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh. Tổ chức nhiều hoạt động thi đấu thể thao, chú trọng các môn thể thao dân tộc như: Bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, tung còn… tại các huyện, thị (theo hình thức liên xã, liên bản ở vùng cao biên giới). Hay như việc thường xuyên tổ chức các lễ hội, như: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Thành Bản Phủ, Lễ hội đua thuyền đuôi én… vừa bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa, vừa thúc đẩy sự phát triển các môn thể thao dân tộc. Thông qua phần hội, nhiều môn thể thao dân tộc được đưa vào thi đấu.
Bên cạnh việc lồng ghép thể thao dân tộc vào các lễ hội truyền thống, để phát huy các môn thể thao dân tộc, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung nâng cao chất lượng công tác huấn luyện vận động viên tham gia các giải của khu vực cũng như toàn quốc. Nhờ làm tốt công tác này, vài năm trở lại đây, ở các giải thể thao dân tộc khu vực và toàn quốc, tỉnh Ðiện Biên đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2019 vừa qua, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đã tham mưu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành lập 11 đoàn vận động viên tập huấn, tham dự các giải thi đấu thể thao khu vực và toàn quốc. Trong đó tham dự 3 giải thể thao quần chúng, đạt 81 huy chương các loại (28 huy chương vàng; 32 huy chương bạc; 21 huy chương đồng).
Vận động viên Lò Văn Thoan, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề - một trong những người đoạt Huy chương vàng môn đẩy gậy tại Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV tổ chức tại tỉnh Sơn La, chia sẻ: Em rất phấn khởi và hài lòng với tấm huy chương mà bản thân mang về cho đoàn thể thao tỉnh nhà. Kết quả này cũng sẽ giúp em có thêm động lực để tiếp tục học tập, thi đấu đạt thành tích cao hơn trong những năm tới.
Cũng thể hiện sự phấn khởi và niềm vui khi đoạt huy chương vàng môn tung còn tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XI khu vực I, tại tỉnh Bắc Kạn, vận động viên Cà Thị Dinh, xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên cho biết, để đạt được kết quả này, bản thân đã tập luyện rất nhiều. Ðồng thời mong muốn, ngoài các hội thi cấp toàn quốc, các cấp trong tỉnh tổ chức nhiều hơn nữa các giải thể thao, lồng ghép các môn thể thao dân tộc vào để đông đảo người dân được tham gia, góp phần phát triển phong trào TDTT quần chúng của tỉnh nhà.
Nói về công tác gìn giữ, bảo tồn các môn thể thao dân tộc, ông Phạm Trung Hiếu cho rằng, để các môn thể thao dân tộc ngày càng phát triển, trong dịp lễ tết hay qua các kỳ đại hội TDTT các cấp, các địa phương, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tổ chức lồng ghép những môn thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, ném còn… vì những môn này gắn liền với đời sống, lao động và tập quán của bà con nhân dân trên địa bàn, qua đó đáp ứng nhu cầu vui chơi cũng như luyện tập TDTT của nhân dân.
Với những kết quả nổi bật ở các giải thể thao quần chúng, điển hình là những tấm huy chương đến từ các môn thể thao dân tộc, có thể nói, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc trong quần chúng nhân dân không chỉ mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc, mà còn là nguồn động viên khích lệ nhân dân hướng về cội nguồn truyền thống, khỏe để lao động, sản xuất, học tập; là dịp để nâng cao tình đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh tại các khu dân cư, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Quang Long