Trở về từ Hà Lan vào tháng 8 năm ngoái, Văn Hậu được CLB Hà Nội bố trí thi đấu trận gặp CLB Sài Gòn tại V-League 2020 đầu tháng 11. Nhưng không may cho anh, sau đó ít ngày, Hậu chấn thương sụn chêm đầu gối (một dạng chấn thương dai dẳng, dễ tái phát và khó điều trị hơn cả chấn thương dây chằng). Đầu tháng 12, Hậu được phẫu thuật tại TP.HCM và không có tên trong danh sách tập trung tuyển Việt Nam vào tháng 12. Ba tháng sau, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tổ chức cuộc hội chẩn dành riêng cho Hậu và anh lại tiếp tục được tập hồi phục ở PVF.
Đến tháng 5.2021, khi Hậu được thầy Park triệu tập chuẩn bị cho vòng loại thứ 3 World Cup 2022, VFF và tuyển Việt Nam đã nhận được văn bản khuyến cáo từ bộ phận y tế - vật lý trị liệu PVF, trong đó PVF đưa ra khuyến nghị: “Cần tuân thủ giai đoạn 3 - 4 tuần tập luyện thích nghi với đội theo cường độ tăng dần trước khi cho Văn Hậu tham gia thi đấu chính thức. Do vừa trải qua chấn thương dài hạn nên cầu thủ sẽ cần thời gian để lấy lại phong độ thi đấu trước đây”. PVF cũng nói rõ, Văn Hậu cần được theo dõi tình trạng gối để tránh quá tải, giảm thiểu nguy cơ tái chấn thương trong tương lai. Văn Hậu tập riêng vài ngày đầu và sau đó tập chung với đội tuyển, sớm hơn 1 tuần so với khuyến nghị về mặt thời gian từ PVF. Sang UAE, Hậu được sử dụng vài chục phút ở trận giao hữu gặp Jordan. Ở trận đấu chính thức gặp Indonesia, Hậu được đăng ký nhưng không thi đấu. Anh chỉ được ra sân ở hai trận kế tiếp gặp đội Malaysia và UAE. Lúc này, Hậu vẫn bị đau đầu gối ở mức chịu đựng được.
Tuy nhiên, có thể do thi đấu với cường độ cao, Hậu đã bị tái phát chấn thương sụn chêm và còn bị lỏng dây chằng cũng ở đầu gối phải. Chấn thương kép này khiến anh bị đau nhưng hậu vệ trái số 1 Việt Nam vẫn được gọi vào tuyển Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại thứ 3 World Cup vì ban huấn luyện muốn Hậu được chăm sóc y tế. Mới đây, Hậu đã được tháo nẹp đầu gối nhưng chưa thể tập nặng. Một bác sĩ chuyên về chữa trị chấn thương thể thao cho hay Hậu có dấu hiệu hồi phục tốt nhưng nếu không điều trị dứt điểm, chấn thương của anh sẽ trở thành mãn tính. Tốt nhất thời gian tới nên điều trị bảo tồn và không thi đấu. Nếu không làm đúng cách, chấn thương sẽ trở nặng, thậm chí có nguy cơ phải tái phẫu thuật. Không nên để Hậu thi đấu sớm (trong tình trạng phải tiêm thuốc giảm đau) vì sẽ rất nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến tương lai của anh bởi Hậu năm nay mới 22 tuổi.
Bóng đá Việt Nam cũng từng chứng kiến một số trường hợp do cố thi đấu khi chấn thương mà phải chia tay sự nghiệp đỉnh cao khi còn rất trẻ. Đơn cử như cựu tiền vệ đội Thể Công Đặng Thanh Phương. Anh bị chấn thương sụn chêm đầu gối trước SEA Games 22 năm 2003 nhưng vẫn cố thi đấu tại đại hội. Bị quá tải nên khi trở lại với V-League 2004, cầu thủ sinh năm 1981 chỉ trụ được vài vòng và sau đó phải phẫu thuật. Năm 2005, Phương cũng chỉ đá được vài trận rồi chính thức giã từ sân cỏ do chấn thương tái phát. Cựu tiền đạo tuyển Việt Nam Đặng Phương Nam, anh trai của Phương, chia sẻ rằng vì Phương gắng sức và cố thi đấu khi chấn thương nên đã bị hỏng gối.
Cũng nên kể thêm về trường hợp khác là Trần Đình Trọng. Anh được thầy Park gọi vào tuyển Việt Nam tháng 5 (nhưng không thi đấu trận nào tại UAE) và vẫn đang là một trong 31 tuyển thủ được triệu tập mới đây. Do điều trị hồi phục chưa đúng cách cũng như hơi vội vàng khi sớm trở lại thi đấu đỉnh cao (vẫn đau nhưng được bố trí ra sân tại vòng chung kết U.23 châu Á đầu năm 2020), Trọng đã tái phát chấn thương và nghỉ thêm một thời gian dài. Hiện tại, trung vệ đội Hà Nội - vốn được ví như “Cannavaro Việt Nam” vẫn chưa thể tìm lại phong độ tốt nhất của mình.
Nhật Duy