Hình tượng rồng có vai trò quan trọng trong văn hóa và võ thuật Á Đông. Theo võ sư Trần Việt, Trưởng võ phái Đông Đô Việt Võ quyền, Chánh Văn phòng Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, rồng trong võ thuật là biểu trưng cho thần thái. Thế nên, trong các bài quyền ở nhiều môn phái thường có "Ngũ hình quyền" - bài quyền dựa trên 5 con vật chính là rồng (long), hổ, hạc, báo, rắn. Trong đó, các bài long quyền gắn với luyện thần.
Các cú đá trong võ cổ truyền thường gắn với chữ “long”. Như đòn đá ngang gọi là “Bàn long cước”, đá hất từ dưới lên là “Phi long cước” hay “Thăng long cước”, đòn đá từ trên xuống gọi là “Giáng long cước”, đá ra sau gọi là “Ô long bãi vĩ” (rồng đen vẫy đuôi).
Từ bộ móng vuốt của rồng, các võ sư sáng tạo các đòn trảo cho bộ tay, thường gọi là bộ long trảo. Rồng trong võ thuật còn thể hiện cho sự biến ảo. Ví như hình ảnh rồng bay vào trong mây, lúc ẩn, lúc hiện.
Đó là trong quyền thuật, còn trong các bài thế có sử dụng binh khí, dễ thấy nhiều động tác, thần thái theo tưởng tượng dân gian về rồng. Đó là các bài nổi tiếng như "Phi long thương", "Bạch long thương", "Mãnh long xuất hải", "Lôi long đao", “Ngũ long kiếm pháp”...
Một số người trong giới võ thuật hiện vẫn còn nhớ, vào cuối những năm 1980, bài “Ngũ long kiếm trận” nổi tiếng của đội tuyển võ cổ truyền tỉnh Sông Bé (nay là hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước) đã gây tiếng vang lớn trong làng võ cổ truyền Việt Nam. Đáng tiếc, đến nay, đội tuyển không còn và bài “Ngũ long kiếm trận” cũng ít được nhắc tới. Trong khi đó, “Ngũ long quyền pháp” là bài danh quyền của võ phái Lạc Long Môn, ra đời năm 1610 ở Lâm Đồng, đến nay vẫn đang được phát triển...
Theo võ sư Trần Việt, hình ảnh rồng bao trùm trong các động tác võ cổ truyền - từ tay không đến sử dụng binh khí. Múa rồng là một phần quan trọng trong võ cổ truyền, người tham gia phải nắm chắc kỹ thuật cơ bản và thần thái của rồng để thể hiện.
Hiện tại, trong các bài tập võ cổ truyền của nhiều môn phái ở Hà Nội cũng như trong toàn quốc có nhiều bài liên quan đến rồng. Rồng là một trong tứ linh (long, ly, quy, phượng), nên có những bài quyền, bài tập cùng binh khí có đòn thế gắn với tứ linh. Trong đó, bài "Tứ linh đao" được đưa vào phần thi đấu bắt buộc ở các giải đấu do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức.
Quỳnh Anh