Ngay trước mùa giải V-league 2015 Bầu Đức đã cho thay máu đội hình mạnh mẽ khi đôn toàn bộ những học viên tốt nghiệp khóa 1 học viện Arsenal-JMG cùng một số cầu thủ trẻ từ mùa giải trước để thay thế dàn cựu binh bị chấm dứt hợp đồng.
Một quyết định gây tranh cãi của Bầu Đức, người hâm mộ thì háo hức trước viễn cảnh được chứng kiến những cầu thủ mà họ yêu thích thử lửa ở giải đấu cấp độ cao nhất của bóng đá Việt Nam, nhưng những nhà chuyên môn, những người hiểu rõ tình hình bóng đá Việt hơn nhận thức được những khó khăn đang chờ đón lứa cầu thủ của Công Phượng và đồng đội.
Và kết quả thì không bất ngờ với các chuyên gia, HAGL ở lượt đi thua liểng xiểng ở nhiều trận đấu và nằm ở nhóm cuối bảng. Số lượng khán giả ở Pleiku không còn đông, những lần thi đấu ở sân bóng khác của HAGL cũng không gây nên cơn sốt vé như thời ở sân Cần Thơ, sân Mỹ Đình ngày xưa. Ngay cả truyền thông cũng dần xa rời với chủ đề một thời là cực nóng đối với họ.
VTV lượt đi truyền hình trực tiếp đủ 13 trận đấu của HAGL, đến lượt về chỉ còn 4 trận. Họ hiểu rằng cái tên HAGL không còn đủ sức nóng nữa, và có lẽ chỉ mình Công Phượng là cái tên gây được hấp dẫn cho người xem, nhưng chính anh bây giờ cũng không tỏa sáng như trong màu áo đội tuyển quốc gia đủ để níu kéo khán giả
Khi mà kì vọng đè lên một đội bóng, một lứa cầu thủ còn quá trẻ thì nó cũng giống một con dao hai lưỡi vậy. Sự hưng phấn trong bóng đá có thể giúp cầu thủ thi đấu tốt hơn, nhưng khi mà chính những sự cổ vũ về tinh thần không làm khỏa lấp đi sự yếu kém hơn về kinh nghiệm và đẳng cấp, tất sẽ dẫn đến thất bại. Thật buồn cho HAGL khi họ lại đi về chiều hướng tiêu cực hơn.
Khó mà có thể hi vọng vào thành công ngay lập tức của lứa cầu thủ trẻ ở một giải đấu có trình độ cao hơn những giải đấu trẻ như V-League. Dù có được những kĩ năng chơi bóng hoàn thiện, nhưng khi phải đối đầu với những đàn anh kinh nghiệm hơn, những cầu thủ ngoại khỏe hơn thì lối chơi của HAGL hóa ra lại “hiền” quá, “non” quá. Huấn luyện viên Graechen lại không phải là một người cao tay trong việc giải tỏa áp lực cho học trò, ông cũng không hẳn là một huấn luyện viên có đủ tầm để đưa ra những quyết định có lợi cho đội bóng.
Áp lực từ khán giả, từ Liên đoàn, từ chính ông bầu Đoàn Nguyên Đức khiến nhiều cầu thủ trẻ bị cóng, từ đó không làm chủ được đôi chân trong nhiều trận đấu. Báo chí cần bảo vệ cầu thủ hơn là công kích hay chê bai họ, giảm áp lực cho các cầu thủ là điều cần thiết. Cần phải thẳng thắn chỉ ra rằng lứa cầu thủ HAGL không phải là lứa cầu thủ trẻ xuất sắc duy nhất của bóng đá Việt Nam.
Khi khán giả không còn thần thánh hóa lứa cầu thủ này cũng đồng nghĩa rằng họ sẽ không đặt ra những kì vọng và áp lực thái quá cho cầu thủ, Công Phượng và đồng đội có thể thoải mái thi đấu với cái đầu không còn bị áp lực họ sẽ tập trung vào thi đấu hơn. Ngoài ra các cầu thủ trẻ từ các lò đào tạo khác cũng được chú ý hơn và có cơ hội phát triển tài năng.
Khán giả cần được báo chí đưa thông tin chính xác, và hiểu được thực sự trình độ của các cầu thủ trẻ HAGL đang ở đâu, họ thiếu những gì và cần khắc phục điều gì. Có như thế họ mới có thể cởi bỏ những áp lực vô hình mà họ đặt ra cho Công Phượng và đồng đội. Sự sụt giảm về khán giả theo dõi trong thời gian vừa qua là bình thường nếu như nhìn vào màn trình diễn của HAGL trên các đấu trường đội bóng này tham dự.
Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc tình yêu giành cho đội bóng và cho lối đá đẹp của các cầu thủ đã mất đi, nếu được báo chí định hướng rõ ràng và thông cảm cho những vấp ngã của Công Phượng, Tuấn Anh… khán giả vẫn sẵn sàng trở lại với đội bóng dù có thế nào. Đây mới là điều mà các cầu thủ cần nhất chứ không phải là những bài báo có lượng view cao ngất trời nói về chuyện hậu trường của họ.
Theo thethaovietnam.vn