|
Công tác chuẩn bị tại Hậu trường (Ảnh: Thịnh Hường) |
Để có được 60 phút thi đấu trực tiếp trên truyền hình, công tác chuẩn bị cho giải ngay từ lúc bốc thăm chia cặp đã diễn ra tất bật. Trường quay S4 – đài truyền hình Kỹ thuật số VTC với diện tích sân khấu rộng, rất hợp lý cho việc bố trí bàn cờ cũng như bối cảnh xung quanh (cầu, sông, núi…) để phù hợp với kịch bản chương trình.
Do có sự phân công cụ thể từ trước, mỗi người làm chương trình đều nhanh chóng bắt tay vào công việc của mình. Để có được những hình ảnh đẹp nhất cho buổi ghi hình giới thiệu cũng như loạt trận đấu sau này, ê kíp được chia thành hai mảng lớn, một mảng phụ trách chuyên môn, tuyên tuyền, mảng còn lại sẽ là công tác ghi hình và hậu trường.
Chỉ tính riêng cho phần ghi hình trực tiếp cũng đã huy động tới vài chục người tham gia, e kíp sử dụng tới 6 máy quanh chính, đường ray và máy cẩu để khán giả có thể bao quát được toàn bộ khung cảnh rộng mở và tận mắt thấy được diễn biến, nước đi của các kỳ thủ. Quay phim và các kỹ thuật viên kiểm tra tỷ mỷ từng chi tiết, góc đặt máy quay để chọn được khuôn hình đẹp nhất; tổ đạo cụ cũng hết sức vất vả với việc treo, tháo, lắp… các trang thiết bị như mái đình, cầu đá, cây cối, bàn, ghế, cột trụ…tạo hiệu ứng, cảm giác thích thú cho người xem. Biên tập viên và đạo diễn bàn luận cụ thể về các yêu cầu khắt khe của chương trình. Tất cả đều tập trung cao độ để hoàn thành tốt công việc được giao.
Cũng tại hậu trường, tổ chuyên môn bàn luận sôi nổi về cách thức bình luận; tìm hiểu những cá tính đặc biệt cũng như sở trường của từng đối thủ để có thể đưa ra những lời bình đặc sắc nhất; Các phóng sự về 32 kỳ thủ với những nghề nghiệp khác nhau, nếp sinh hoạt hàng ngày, thú chơi cờ… sẽ là phần tương tác hấp dẫn để có cái nhìn tổng quát về nhân vật chính cũng được đầu tư hết sức công phu.
Hóa trang cũng là một công việc thầm lặng không thể thiếu cho buổi ghi hình. Tìm hiểu về vấn đề này chúng tôi được biết, người hóa trang không đơn thuần chỉ làm công việc trang điểm với những dụng cụ sẵn có, mà họ phải làm bằng con mắt nghệ thuật, bằng bàn tay khéo léo cùng với việc hiểu kịch bản để xem nhân vật mình sẽ đóng vai gì, hiểu lối chơi, tính cách của nhân vật... Và hơn thế, người làm công việc hóa trang cũng cần phải nằm chắc cả về bố cục ánh sáng, kỹ thuật tạo dáng gương mặt, trang phục...
Tất cả các tổ, các khâu tạo nên một ê kíp liên quan chặt chẽ với nhau; chỉ cần một mắt xích đi lệch sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới buổi ghi hình, đó là còn chưa kể tới những phát sinh trong quá trình ghi từ chính các kỳ thủ, sao cho vẫn đảm bảo việc thi đấu không bị gián đoạn và ảnh hưởng tới thành tích… là một điều không mấy dễ dàng.
Dù khó khăn, vất vả nhưng tất cả đều vui vẻ và nhiệt tình với công việc được giao và hơn ai hết những người làm công tác hậu trường này mong muốn buổi “công chiếu” đầu tiên vào ngày 20/7 tới sẽ thành công và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.
Thùy Anh