Phạm Thị Huệ tình cờ đến với rowing và gặt hái vô vàn thành công mà đỉnh cao là 3 tấm HCV SEA Games 28. Nhưng phía sau vinh quang của ngôi sao quê Quảng Bình là sự dằn vặt khôn nguôi của người vợ, người con và người mẹ với con gái nhỏ từng không cả nhận ra mẹ.
“VĐV mà như… phu hồ”
Nghiệp thể thao đến với Huệ tình cờ từ lần thi đấu nổi bật ở Hội khỏe Phù đổng cấp tỉnh, rồi lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên ở Trung tâm đào tạo huấn luyện tỉnh Quảng Bình. Dù được nhắm cho môn rowing mà bản thân chưa hề biết gì song vì máu thể thao và hiếu kỳ tuổi trẻ, Huệ nhận lời ngay.
Để được ra CLB đua thuyền Hồ Tây (Hà Nội) – đại bản doanh của rowing Việt Nam – với Huệ cũng là cả một thử thách, khi bố mẹ cật lực phản đối. Để có được cái gật đầu miễn cưỡng của gia đình, Huệ đã phải mất bao đêm nài nỉ và phải vừa tập vừa lao vào học để “lấy bằng tốt nghiệp PTTH rồi làm gì thì làm”, như điều kiện của bố mẹ.
Ra Thủ đô, thực tế của rowing khắc nghiệt khác xa với những gì cô gái trẻ người Quảng Bình hình dung. Huệ vẫn nhớ như in thời gian nhập môn vì “không biết bơi nên khi đứng ở cầu phao, một anh trong đội đẩy xuống và uống no nước. Lúc đó, cứ nghĩ sao lại chọn cái nghề khổ thế này, đôi lúc nản muốn bỏ cuộc”. Phải bằng một ý chí thép của một đứa con nhà nông từng làm đủ thứ việc từ đi cày, làm ruộng, vác củi, phát rẫy hay đi bốc cát, chị mới trụ lại được để rồi sớm bộc lộ tố chất đặc biệt của mình. Đến giờ qua 7 năm, nếm đủ ngọt ngào và cay đắng, nhiều khi Huệ vẫn rùng mình bởi VĐV đua thuyền mà sao vất vả, khổ sở như… phu hồ, mỗi ngày phơi mặt ngồi trên thuyền 5-6 tiếng đồng hồ giữa sóng nước hồ Tây bất kể mọi thời tiết.
Cay đắng “con gái không nhận ra mẹ”
Năm 2008, rowing Đà Nẵng nhận lời giúp đỡ Quảng Bình. Tại đây, Huệ làm quen với đồng nghiệp Đặng Minh Huy khi cả 2 tập luyện chung. Thời điểm đó, trang thiết bị còn thiếu thốn. Huy thì có thuyền nhưng không có chèo còn Huệ thì có mỗi mái chèo. Thế là cứ mỗi lần tập, Huy cho Huệ mượn thuyền rồi chờ Huệ tập xong mới đến lượt mình. Ngày qua đi, họ yêu nhau lúc nào không hay.
Yêu mãi mới cưới cũng bởi lịch tập luyện, thi đấu liên miên. Về chung một mái nhà nhưng mỗi người tập luyện thi đấu một nơi nên mỗi năm 2 vợ chồng gặp nhau chưa đến 1 tháng. Đã thế, vừa hạ sinh cháu gái chỉ được 9 tháng, Huệ phải khăn gói rời xa con ra Hà Nội tập luyện. “Tôi không đành lòng phải xa con, nhất là khi nó còn quá nhỏ. Thấy thương cho con và tủi cho người làm mẹ như mình lắm. Nhiều đêm nỗi nhớ con đến quay quắt, quặn lòng không sao ngủ được”, Huệ xót xa mỗi khi nhắc đến con.
Vì xa mẹ nhiều quá nên con gái Huệ không nhận ra mẹ. “Nhiều lần về thăm, nó lắc đầu không cho tôi bế, nghe con gọi cô bằng mẹ mà lòng tôi nặng trĩu. Nó cứ mãi ám ảnh trong tâm trí tôi” -Huệ vẫn không thôi trăn trở và luôn cảm thấy mình có lỗi với đứa con gái.
“Đợt trước SEA Games 28 vừa rồi, vì tôi nhớ cháu quá nên bố con phải thu xếp để ra Hà Nội thăm 1 tuần, tôi mới yên tâm lên đường làm nhiệm vụ được. Đôi lúc tôi trêu đùa anh ấy, anh lấy nhầm vợ đi bộ đội rồi mà trong lòng đầy xót xa”.
Theo thethaovietnam.vn