Võ cổ truyền là 1 trong 9 môn thể thao dân tộc tại Việt Nam (Võ cổ truyền, Vật dân tộc, Vovinam, Kéo co, Đẩy gậy, Bắn nỏ, Đá cầu, Đua thuyền truyền thống và Đua ghe ngo). Từ năm 1992 đến nay, Tổng cục TDTT đã xây dựng hệ thống thi đấu thể thao dân tộc nói chung và các môn Võ dân tộc nói riêng. Không dừng lại trong khuôn khổ trong nước, các môn Võ dân tộc Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều nước trên thế giới và dần trở thành nội dung thi đấu chính thức tại các Đại hội thể thao khu vực và thế giới.
Từ phong trào ở Việt Nam...
Hàng năm, Võ cổ truyền, Vật dân tộc, Vovinam đều được tổ chức giải trẻ và giải vô địch quốc gia và tổ chức giải Vật dân tộc cúp Tạp chí nông thôn mới. Các môn này đều được đưa vào tổ chức tại Festival quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam theo chu kỳ 2 năm/lần và 4 năm/lần tại Đại hội TDTT toàn quốc.
|
Vật dân tộc là môn thể thao được tổ chức phổ biến từ hệ thống giải TDTT của cấp tỉnh (Ảnh: Thế Thiện ) |
Hiện tại, hầu hết, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung tương trong cả nước đều chú trọng phát triển phong trào tập Võ cổ truyền, Vật dân tộc và Voinam. Nhiều CLB Võ cổ truyền, Vovinam, nhiều lò võ, lò Vật được hình hành. Điển hình của sự phát triển nhanh mạnh đó là các tổ chức chức xã hội cấp tỉnh về các môn này được thành lập ở nhiều địa phương như: Quảng Trị, Bình Định, Bình Dương, Bắc Giang, Bến Tre, Long An, Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Nam, Lâm Đồng, Nghệ An, Bình Thuận, Phú Yên, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Gia Lai... Các tổ chức hình thành dưới các dạng như Hội Võ thuật cổ truyền, Hội Vovinam nhằm phát triển hơn nữa phong trào và tổ chức các giải võ thuật ở từng địa phương.
Trước năm 1975, Vật dân tộc phổ biến chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Bắc, Vovinam và Võ cổ truyền thì phát triển mạnh mẽ chủ yếu tại các tỉnh, thành ở phía Nam. Đến nay, các môn thể thao trên đã được phổ biến rộng rãi và tương đối đồng đều khắp trên cả nước. Việc thành lập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam (năm 1991) và Liên đoàn Vovinam (2008) lại càng tạo điều kiện thuận lợi để sự phát triển đó rộng khắp trong cả nước.
Các môn thể thao này còn được phát triển rộng rãi, phù hợp với nhiều đối tượng. Nổi bật là tại các đơn vị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có phong trào tập luyện Võ cổ truyền, Vật dân tộc và Vovinam. Các VĐV của Quân đội, Công an thường đạt những thành tích cao trong các môn này tại giải vô địch quốc gia được tổ chức hàng năm cũng như tại Đại hội TDTT toàn quốc. Các môn thể thao này còn phát triển sâu rộng trong lực lượng vũ trang khi Võ cổ truyền và Vovinam đã được coi như những môn học chính thức bắt buộc với nhiều hệ đào tạo của các nhà trường, học viện đào tạo sĩ quan của lực lượng vũ trang.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa Vật dân tộc vào chương trình thi đấu của Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc từ năm 2004. Dự kiến tại Hội khoẻ Phù Đổng lần thứ 8 năm 2010 tại Cần Thơ sẽ đưa cả Võ cổ truyền, Vovinam cùng các môn Kéo co, Đẩy gậy vào chương trình chính thức của Hội khoẻ. Trong hệ thống thi đấu thể thao của Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng năm và 4 năm/lần đều tổ chức thi Võ cổ truyền, Vật dân tộc và Vovinam như Hội thi Thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc (4 năm/lần), Đại hội thể thao sinh viên toàn quốc (4năm/lần) và Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc (4năm/lần).
... phát triển ra quốc tế
Tại SEA Games 19 năm 1997 ở Indonesia và SEA Games 22 năm 2003 ở Việt Nam, Vật dân tộc đã trở thành môn thi chính thức của Đại hội. Tiếp tục đến Indoor Games 3 năm 2009 ở Việt Nam, Vovinam trở thành 1 trong 20 môn thi đấu chính thức. Tháng 7/2009, giải Vovinam thế giới lần thứ I đã chính thức tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và thành công tốt đẹp. Giải có sự tham dự của 150 VĐV, HLV, cán bộ đến từ 14 nước, gồm: Pháp, Đức, Italya, Nga, Belarus, Ukraine, Ba Lan, Romania, Australia, Ấn Độ, Iran, Thái Lan, Campuchia và chủ nhà Việt Nam. Các VĐV tranh 30 bộ huy chương ở 18 nội dung thi quyền và 12 nội dung thi đối kháng. Giải này sẽ được duy trì theo định kỳ 2 năm/lần. Hiện đã có 2 quốc gia đứng ra xin đăng cai giải đấu năm 2011 là Nga và Ấn Độ.
|
Các môn Võ dân tộc đang dần có mặt trong hệ thống thi đấu các Đại hội TDTT quốc tế (Ảnh: Thế Thiện) |
Năm 2008, tại TP Hồ Chí Minh, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã tổ chức giải quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ I thu hút hàng trăm VĐV của 20 đoàn quốc tế tham dự. Giải này dự kiến sẽ tổ chức 2 năm/lần. Cũng tại giải này, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã định hướng xin phép các cấp thành lập Liên đoàn Võ cổ truyền quốc tế, để định kỳ tổ chức, điều hành Giải thế giới về Võ cổ truyền Việt Nam và Festival quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam.
Lời kết
Có thể thấy được hệ thống thi đấu các môn Võ dân tộc Việt Nam đang được mở rộng và dần hình thành tại các Đại hội lớn. Hàng năm Tổng cục TDTT và các Liên đoàn Võ thuật đều tổ chức giải trẻ và giải vô địch quốc gia về Võ dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, tại các tỉnh, thành và các ngành đều xây dựng hệ thống thi đấu các môn Võ dân tộc Việt. Ở nước ngoài, tại Đại hội TDTT khu vực Đông Nam Á đã có Vật dân tộc và sẽ duy trì ở tất cả các SEA Games, từng bước đưa thêm Võ cổ truyền và Vovinam vào thi đấu. Tại Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà lần thứ III lần đầu tiên Vovinam trở thành nội dung thi đấu chính thức của Đại hội. Đây là những bước đi đầu tiên, làm tiền đề vững chắc cho sự phát triển ổn định của các môn Võ dân tộc Việt Nam trong hệ thống thi đấu trong nước cũng như một số Đại hội cấp châu lục. Dự kiến, Võ cổ truyền và Vật dân tộc cũng sẽ từng bước đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà ở những lần tổ chức sau. Định hướng sau năm 2020, Vovinam sẽ được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội TDTT Châu Á theo chu kỳ 4năm/lần. Như vậy, đến nay hệ thống thi đấu các môn Võ dân tộc Việt Nam về cơ bản đã hình thành ổn định và ngày càng mở rộng, phát triển vững chắc.
Lê Anh Thơ