Một trong những điểm mạnh dẫn đến kết quả khả quan của công tác xã hội hoá TDTT tại Cần Thơ chính là nhận thức của các cấp lãnh đạo theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và TDTT. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn đó, lãnh đạo ngành TDTT Cần Thơ đã chỉ đạo ngành phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt với Đài phát thanh - Truyền hình thành phố Cần Thơ, Báo Cần Thơ tuyên truyền, phổ biến việc đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá TDTT đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn thành phố, đến các ban, ngành liên quan... Do đó, các ngành, các đối tượng khác nhau và toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố đã có sự chuyển biến tích cực trong việc tham gia tập luyện TDTT đồng thời đầu tư cho các hoạt động TDTT. Từ đó, góp phần tích cực, hiệu quả trong việc kêu gọi toàn xã hội cùng tham gia nhiều công tác TDTT.
Kết quả của công tác xã hội hoá TDTT tại tỉnh Cần Thơ thể hiện ngay trong phong trào TDTT quần chúng với sự liên tục phát triển trong mọi đối tượng, mọi tầng lớp xã hội. Nổi bật là số lượng người thường xuyên tập luyện TDTT (TXTL TDTT) đã ngày một tăng. Nếu tính từ năm 2005, trên toàn tỉnh chỉ có 20,89% số dân TXTL TDTT thì năm 2006 đã tăng lên thành 21, 76%, vượt chỉ tiêu của Quy hoạch phát triển ngành TDTT Cần Thơ đến năm 2010 (20% theo Quyết định số 59/2002/QĐ-TTg). Hiện tại, Sở TDTT cũ đã ký kết kế hoạch liên tịch phối hợp hoạt động TDTT với 11 Sở, ban, ngành của thành phố Cần Thơ, thành lập 8 Hội thể thao quần chúng và đang chuẩn bị thành lập một số Hội thể thao: người khuyết tật, Cầu lông, Lân sư rồng...
Bên cạnh sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng, công tác xã hội hoá đã có ý nghĩa đối với sự phát triển thể thao thành tích cao đối với tỉnh nhà. Nhiều môn thể thao đã được các đơn vị trên địa bàn thành phố tài trợ hàng năm. Điển hình, mặc dù mới được thành lập, song CLB Bóng đá Tp Cần Thơ đã được Công ty Điện máy Nguyễn Kim tài trợ trên 2 tỷ đồng/năm. Đầu năm 2007, CLB này đã đi vào hoạt động ổn định. Đội Bóng rổ nam và nữ đều đã được Công ty TNHH Joton tài trợ; Đội xe đạp được Công ty phân bón, hoá chất Cò bay tài trợ...
Trong vấn đề khai thác dịnh vụ TDTT trên cơ sở trang thiết bị đã có, bước đầu ngành TDTT Cần Thơ đã thực hiện hiệu quả. Việc khai thác sân vận động Cần Thơ với sức chứa 50.000 người là một minh chứng. Trước thực tế, môn Bóng đá của Tp Cần Thơ chưa được phát triển mạnh mẽ nên việc sử dụng SVĐ vào mục đích tổ chức các giải Bóng đá của Tp hay của toàn quốc là không hiệu quả do vậy ngành TDTT Cần Thơ đã sử dụng tổ chức môn Đua xe mô tô. Đây cũng là môn thể thao được người dân Cần Thơ và các tỉnh lân cận yêu thích. Từ đây, ngành TDTT đã tạo được nguồn thu bổ sung cho các hoạt động của ngành.
Từ nhận thức đúng đắn về công tác xã hội hoá TDTT, nhiều cá nhân, đơn vị trên địa bàn Thành phố đã tự bỏ vốn xây dựng cơ sở vật chất phục vụ TDTT như: sân bãi các môn Bóng đá, Quần vợt, Bóng chuyền; hồ bơi; nhà tập TDTT... đã góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT ngày càng tăng của đông đảo người dân trong Thành phố.
Có thể khẳng định, chủ trương xã hội hoá TDTT đã có tác động tích cực đến sự nghiệp TDTT nói chung của Cần Thơ nói riêng, góp phần tăng cường chất lượng thi đấu và thành tích thể thao của một số đội tuyển của Thành phố, đặc biệt đã góp phần cải thiện đời sống văn hoá, tăng cường bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân tỉnh nhà.
Giang Xiêm