Trước đây, bóng đá Việt Nam quen với mô hình “hai trong một” khi ký hợp đồng với các HLV. Có nghĩa là người nắm ĐTQG sẽ cầm luôn U23 để đồng nhất về triết lý xây dựng bóng đá. Điều này giúp cho các nhà cầm quân nhiều quyền lực hơn, có thể đưa ra những chiến lược xây dựng đội hình cho đội tuyển khi nắm luôn cả lứa trẻ.
Trong 4 năm qua, HLV Park Hang Seo đã đảm trách rất tốt vai trò của mình. Thậm chí, chính lứa U23 Việt Nam tại Thường Châu đã giúp ông khẳng định được tên tuổi và thực hiện được những tham vọng cùng ĐT Việt Nam 1 năm sau đó.
Tất nhiên, đi cùng với quyền lực là trách nhiệm, thậm chí áp lực về công việc. Ông Park phải lên kế hoạch huấn luyện, trực tiếp cầm quân ở cả hai đội tuyển. Và rắc rối nảy sinh khi có thời điểm, cả hai đội tuyển cùng hoạt động như thời gian vừa qua khiến ông gặp khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ.
Việc định hình hai ban huấn luyện ĐTQG và U23 là yêu cầu tất yếu để phát triển. Nó không phải là đặc ân cho ông Park, người có vị thế đặc biệt ở bóng đá Việt Nam lúc này. Nó thể hiện xu thế phát triển của bóng đá Việt Nam. Theo đó, công tác quản lý, huấn luyện phải được vận hành một cách chuyên nghiệp, riêng biệt nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đề ra.
Và với riêng HLV Park Hang Seo, việc giải phóng khỏi gánh nặng hai vai sẽ giúp ông thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. Theo đó, ông sẽ toàn tâm toàn ý gắn bó với ĐTQG sau SEA Games 2021. Mà ai cũng biết, mục tiêu tối thượng của bóng đá Việt Nam năm 2022 chính là AFF Cup.
Vậy mới nói, những chuyển biến hôm nay của đội tuyển, việc quy định trách nhiệm của ông Park Hang Seo chính là điều kiện căn bản để bóng đá Việt Nam thực hiện mục tiêu chiến lược của mình. Chúng ta đã có một chặng đường lịch sử và những công thức chiến thắng đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Sự chuyên nghiệp hóa là đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển của mọi đội tuyển, mọi nền bóng đá.
theo Bongdaplus