Chắt chiu từng đồng từ công việc làm bún vất vả, cha mẹ sinh thành ra kỳ thủ Hoàng Thị Bảo Trâm đã vượt qua bao khó khăn để nuôi dưỡng những đứa con khôn lớn, trưởng thành. Và những đứa con hiếu thảo ấy không chỉ chăm ngoan, học giỏi mà còn rất chăm chỉ làm việc phụ giúp gia đình. Đặc biệt, cô con gái Hoàng Thị Bảo Trâm - một trong những kỳ thủ nổi tiếng trong làng Cờ Việt Nam chính là nguồn an ủi, động viên và động lực để cha, mẹ Trâm thấy cuộc đời này thật công bằng và có ý nghĩa.
Là người con thứ 2 trong gia đình có ba chị em, Bảo Trâm năm nay mới 18 tuổi nhưng thoạt nhìn Trâm ai cũng có cảm giác em già hơn so với các bạn cùng trang lứa, nhất là khi tiếp xúc với em mới thấy được nét ngây thơ, ngộ nghĩnh cũng như những suy nghĩ nội tâm đầy sâu sắc. Ngay từ năm lên 6, cũng cắp sách đến trường học vỡ lòng như bao đứa trẻ khác, nhưng khác bạn bè sau giờ học được tung tăng nhảy múa, vui chơi, được ba, mẹ đón, đưa..., Trâm đã ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên càng cố gắng học tập. Có lẽ, cuộc sống vất vả và một tuổi thơ hết sức nhọc nhằn đã tạo nên một Bảo Trâm bản lĩnh như ngày hôm nay.
Đến với môn Cờ vua từ rất sớm, nhưng Trâm không có nhiều thời gian hay sự đầu tư cho môn thể thao này. Trâm kể lại: "Mỗi khi hoàn thành công việc phụ giúp cha, mẹ, thời gian rảnh rỗi Trâm thường lôi bàn cờ của chị gái ra và bắt đầu học cách nhận biết mặt quân và cách thức di chuyển của chúng. Nhiều lần, mải học Cờ trong nhà, Trâm đã quên mất việc được giao, (cười) một khâu trong mắt xích làm bún, thế là bị ba má mắng cho một trận. Người thầy đầu tiên dạy cho Trâm biết chơi cờ cũng chính là chị gái mình (khi ấy chị gái của Trâm đang là thành viên đội tuyển Cờ vua trẻ của tỉnh Thừa Thiên Huế).
Được giới thiệu tới thầy Bảo Tài, Trâm đã thực sự gây chú ý đặc biệt về tài năng của mình, dù khi đó Trâm tập Cờ chưa lâu và lúc ấy có lẽ cô học trò nhỏ này không nghĩ rằng đây là một dấu mốc quan trọng, làm thay đổi cả cuộc đời mình. Đến năm lên lớp 4, Trâm chính thức được chọn vào đội tuyển Cờ vua của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dưới sự dìu dắt, chỉ bảo của thầy Bảo Tài, trình độ Cờ của Trâm tiến bộ nhanh chóng, Trâm được tham gia nhiều giải đấu trong nước và cũng đã gặt hái được không ít thành công cho đội tuyển Cờ vua của tỉnh nhà
Nhưng mãi đến năm 1997, tài năng của Trâm mới thực sự nở rộ và được đông đảo giới mộ Cờ biết đến khi Trâm giành 1 HCĐ lứa tuổi U10 giải trẻ thế giới (tổ chức tại Pháp). Từ đây Trâm liên tục gặt hái thành công mỗi khi tham dự giải, dù trong nước hay quốc tế. Nhiều năm liền, Trâm và Lê Kiều Thiên Kim, Nguyễn Thị Thanh An là đại diện nữ cho những vị trí hàng đầu của các giải Cờ vua trong nước như: Giải Vô địch Cờ vua hạng Nhất; giải Vô địch Cờ nhanh và Cờ chớp nhoáng, giải Vô địch Cờ vua các đấu thủ mạnh toàn quốc... Tiêu biểu trong bộ sưu tập huy chương của Trâm phải kể đến là hai chiếc HCV tại giải Vô địch Châu Á (2001 và 2003).
Để nói về thành thành tích của Trâm cũng như những khó khăn, vất vả mà Trâm phải trải qua có lẽ sẽ còn là một câu chuyện dài. Nhưng với những cống hiến cho Cờ vua, Đại kiện tướng Hoàng Thị Bảo Trâm xứng đáng là một trong những gương mặt nữ xuất sắc nhất của làng thể thao Việt Nam. Ông Anatoli Svetchikov - người đã huấn luyện Trâm suốt 10 năm nay đã không ngớt lời ngợi khen, nhận xét về cô gái Huế này: “Tôi đã gặp gỡ nhiều kỳ thủ trẻ ở Nga và các nước khác nhưng ít ai được như Trâm. Em có trí nhớ tốt và có năng khiếu tuyệt vời về Cờ vua. Không chỉ vậy, đó là một kỳ thủ có khả năng chịu đựng sức ép thi đấu rất cao”.
Xuân Nhi