Tịnh Biên và Tri Tôn là hai huyện miền núi, của An Giang, giáp biên giới Campuchia, có dãy Thất sơn chập chừng, hùng vĩ, bao quanh ruộng lúa xanh um, với tên gọi “Anh Vũ Sơn, Ngũ Hồ Sơn, Thiên Cấm Sơn, Liên Hoa Sơn, Thủy Đài Sơn, Ngọa Long Sơn, Phụng Hoàng Sơn”.
Nơi đây có gần 80.000 đồng bào dân tộc Khơme sinh sống và mỗi năm đón mừng 02 Tết long trọng. Đó là Tết Phihti Chôl Chnam Thmây (lễ vào năm mới) và Tết Phithisen Đolta (lễ cúng ông bà – báo hiếu).
Những người lớn tuổi kể rằng, trước đây vào mùa cấy (mùa mưa), đồng bào Khơmer ở các phum sóc đưa nhiều đôi bò về cày bừa cho ruộng của Nhà chùa của phum sóc mình. Nhân lúc ấy, để cho công việc được vui vẻ và đạt chất lượng cao, các chủ bò rủ nhau đua trong việc làm, thi xem ai cày bừa trước, ai cày bừa sau, dần dần thành thông lệ, được Cả chùa đứng ra tổ chức và tặng thưởng cho đội đoạt giải, phần thưởng lúc bấy giờ là dây cà tha đeo ở cổ bò đủ màu sắc, với những qủa lục lạc kêu “leng keng”.
Phát huy truyền thống này, từ năm 1992 đến nay hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn “câu tay” với nhau luân phiên hàng năm tổ chức ngày đua bò vào dịp Tết Đol Ta với tên gọi “ Hội đua bò Bảy Núi”. Có thể nói Đua bò là loại hình Văn hóa – thể thao dân gian độc đáo và rất hấp dẫn của đồng bào Khơme An Giang. Trên cả nước chỉ An Giang mới có loại hình thể thao dân gian Hội đua bò Bảy Núi và nó đã trở nên nổi tiếng, cũng như chỉ có Đồ Sơn (Hải Phòng) mới có Hội chọi trâu.
Hội đua bò Bảy Núi lần thứ XV, diễn ra vào ngày 23/9/2006 tại Chùa Tà Miệt thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Năm nay việc tổ chức được đánh giá là qui mô và chu đáo hơn, đã tạo được không khí sôi nổi, hào hứng trong ngày đón tết Đol Ta của đồng bào Khơme An Giang. Tham dự cuộc đua có đến 70 đôi bò thuộc các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành của tỉnh An Giang và huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Trường đua là một thửa ruộng có chiều dài 150m, chiều ngang 70m, xung quanh có bờ mẫu cao 1m (cũng là chỗ để khán giả đứng xem cuộc đua), phạm vi dành cho cuộc đua là chu vi thuộc 2 đường biên dọc dài 100m và 2 đường biên ngang dài 8 m. Các đôi bò kéo theo một cái bùa bằng gỗ (không có răng bừa và không bằng kim loại), có người điều khiển mà theo thói quen người dâni gọi là “tài xế”. Các đội bốc thăm từng cặp thi đấu theo thể thức loại trực tiếp một lần thua, theo mã số bốc thăm. Đua vòng loại, rồi tứ kết, bán kết và chung kết. Để có đôi bò tốt đến trường đua, bà con nông dân Khmer, người kinh phải chăm sóc chúng rất chu đáo từ việc ăn uống bổ dưỡng cũng như tập luyện rất công phu với thời gian khá dài.
Cuộc đua diễn ra như sau : Từ vòng loại đến chung kết, các đôi bò đều phải chạy 02 vòng hô và chuyển sang vòng thả. Vòng hô là di chuyển theo chu vi của trường đua (2 đường biên dọc và 2 đường biên ngang) với bề ngang đường đua giới hạn là 8m, để khởi động. Đoạn đường đua chính thức, gọi là vòng thả với cự ly 100m. Nghĩa là sau khi đi 02 vòng hô, đến điểm xuất phát hai đôi bò lao thẳng về đích (Thả) với cụ ly ngắn 100m. Có thể xem đây là thi đấu điền kinh với cự ly ngắn dành cho những đôi bò tuyệt vời của nhà nông. Điều lệ cuộc đua có những qui định rất nghiêm khắc, để đạt được kết qủa tốt đẹp như: Trong vòng hô, thả đôi bò sau được quyền qua mặt đôi bò trước (trong cuộc đua không phải 02 đội bò xuất phát song song, mà đôi đi trước, đội đi sau theo sự thống nhất chung), nhưng phải đúng qui định (không được vuợt qua đường ranh giới hạn 8m). Trường hợp một trong hai đôi bò vi phạm luật đã bị loại, đôi bò còn lại phải đi đủ 2 vòng hô và thả đúng qui định, nếu vi phạm cũng bị loại. Trong vòng hô hoặc thả nếu đôi bò nào không chạy hoặc chạy ra ngoài đường biên 8m, hay trong vòng thả mà tài xế bị ngã, hay trục trặc kỹ thuật như: gãy bừa, sút niêm, gãy dầm thì đôi bò đó bị loại. Trong vòng thả từ cờ xuất phát đến điểm đích 100m, khi đã chạy được 30m, nếu đôi sau dẫm được bừa đôi trước thì đôi sau sẽ thắng cuộc mặc dù chưa đến điểm đích. Theo như đồng hồ bấm giờ của chúng tôi, đôi bò tăng tốc về đích cự ly 100m với thời gian 10”, vận tốc trung bình 36km/h
Không khí ngày hội đua bò, đón mừng lễ hội Đol Ta của đồng bào Khơmer thật náo nhiệt. Bà con Khmer ở các phum, sóc của huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, châu Phú, huyện Hòn Đất... kể cả người Kinh, Hoa, Chăm của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các tỉnh Cần thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu … có số lượng lên đến hơn 30.000 lượt người đã đến xem và cổ vũ rất nhiệt tình. Đặc biệt, đối với đồng bào Khơmer ở những Phum, Sóc xa phải lặn lội đi từ hôm trước, hoặc lúc nửa đêm, gánh theo các dụng cụ sinh hoạt để chờ sáng hôm sau xem đua bò và dự lễ hội Đol Ta.
Diễn ra từ trong thời gian 10h (từ 7h đến 17h), cuối cùng cuộc đua đã chọn ra những đôi bò khỏe nhất, mạnh nhất, giỏi nhất với người điều khiển (tài xế) bò tài hoa nhất. Kết quả, đôi bò của ông Trần Văn Tàng (xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên) xếp hạng nhất, đôi bò của ông Chau Chiu (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) xếp hạng nhì và đôi bò của ông Nguyễn Thành Tài (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) xếp hạng ba.
Hy vọng rằng, những hoạt động văn hoá thể thao mang đậm bản sắc dân tộc trên không chỉ thu hút sự tham gia nhiệt tình của đồng bào dân tộc Khơme mà trong tương lai không xa nó còn được biết đến như một môn thể thao độc đáo của Việt Nam.
Hữu Sơn (An Giang)