|
Hội môtô ĐBSCL hộ tống đoàn Đua xe đạp (Ảnh: TTùng) |
Từ việc xuất hiện một cách tự phát theo thú đam mê của cá nhân hay nhóm nào đấy, sau đó hình thành CLB Mô tô từng địa phương một cách khá bài bản ở nơi này, nơi nọ. Và mới đây, bắt đầu từ đầu năm 2013, để việc tổ chức hoạt động căn cơ hơn, Hội Mô tô các tỉnh ĐBSCL đã ra đời từ nền tảng ban đầu của CLB Mô tô tỉnh Bến Tre.
Kết nạp được 43 hội viên, ngoài những nỗ lực không ngừng để có thể hoàn thành tốt phần việc chuyên môn, thì những con người có thú đam mê với chuyện lữ hành, luôn tự nguyện “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” lại khác. Khác ở chỗ…
Sao lại là những người “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”?
Theo một số người am hiểu, thì ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỳ 20, đã có rất nhiều nhóm nhỏ với số lượng ban đầu gồm khoảng 10 – 12 người đã tự nguyện “Đi vác tù và hàng tổng” rồi. Xe cộ lúc đó thì nào đã có gì đáng gọi là “hoành tráng” so với thời bây giờ. Nhưng chỉ với mấy chiếc Vespa Super 150 hoặc mấy “con xe” Honda 90, 125 và cao nhất cũng cỡ những chiếc LA 250 phân khối đã đáng được xem là “oách” nhất, đủ súc hụ ga, hú còi inh ỏi để mở đường, tạo sự chú ý nơi công cộng.
Dần dà theo đà phát triển kinh tế - xã hội của từng nơi và của cả nước, người dân đã bắt đầu có của ăn của để, chuyện nhập các loại xe “xịn” cũng thoáng và dễ dàng hơn, rồi xu hướng các hoạt động được “phủ sóng” ra địa bàn rộng hơn v.v..Và thú đam mê rong ruổi trên các nẻo đường quê hương đã “kéo” thêm ngày càng nhiều người tình nguyện được “vác tù và”.
Từ con số ban đầu khá ít ỏi và rải rác ở nhiều nơi ở các tỉnh trong khu vực, kể từ lúc được hợp nhất và ra đời, Hội Mô tô ĐBSCL đã kết nạp được 43 hội viên (2 nữ), thuộc các tỉnh như Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Dương, Lâm Đồng. Và trong nhiệm kỳ đầu tiên này, ông Thái Đình Phùng - sinh năm 1956, chủ cửa hàng phụ tùng xe máy Phùng - huyện Mỏ Cày Nam - Bến Tre, Chủ nhiệm CLB Mô tô tỉnh Bến Tre, đã được các hội viên tín nhiệm bầu làm hội trưởng.
Theo Phó hội trưởng Lâm Văn Trấn (An Giang), đa số các hội viên hiện nay là các doanh nhân thành đạt trên thương trường. Phương tiện của họ cũng được “lên đời”, đắt nhất là 3 chiếc Gold Win 1800 phân khối có giá trên 60 ngàn đôla, kế đến loại cỡ 1000 phân khối như Kawasaki giá từ 20 đến 22 ngàn đôla có khoảng 10 chiếc và phần nhiều số còn lại như những “con” Z1000, giá cũng ngót ngét trên 10 ngàn đô la/chiếc…
Cùng với sở thích lo chuyện xã hội
Nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao. Đó là những nét cơ bản để có thể hình dung về những hội viên Hội Mô tô ĐBSCL hiện nay. Phương tiện tự bỏ tiền ra mua sắm, xe hư hỏng tự chịu sửa chữa; tự lường trước mọi hiểm họa trên đường để có phưong án phòng vệ.
Thế thì phục vụ chuyện xã hội họ được gì?. Hầu như không đáng kể bởi ngoài tiền xăng xe, tiền ăn nghỉ, tiền bồi dưỡng chút ít cho mỗi chuyến phục vụ thì phía ngành thể thao chỉ làm phần việc giúp họ được đăng ký để Liên đoàn Xe đạp – Mô tô thể thao VN cấp thẻ hội viên hàng năm (tự đóng các khoản lệ phí theo quy định).
Nhưng trên tất cả, niềm vui đối với các hội viên là được thỏa lòng “tung cánh” trên yên các “con ngựa sắt” để bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chung, họ còn được đến khám phá vẽ đẹp của quê hương, đất nước, con người VN trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Và có lẽ cũng chính từ đó, mỗi khi được gọi là họ sẵn lòng thu xếp chuyện gia đình để góp mặt, như phục vụ các sự kiện chính trị - văn hóa – xã hội và thường xuyên nhất vẫn là góp phần bảo vệ an toàn những cuộc chạy việt dã Sacombank hay các báo Ấp Bắc (Tiền Giang), báo Đồng Khởi (Bến Tre) và nhiều cuộc đua như giải Xe đạp ĐBSCL, Cúp Truyền hình An Giang, Nữ Quốc tế mở rộng, Cúp Truyền hình TPHCM, Domesco Đồng Tháp, ADC Truyền hình Vĩnh Long, Cấp thoát nước Bình Dưong, Cần Thơ mở rộng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nam toàn quốc Cúp Truyền hình Bến Tre hàng năm.
Và còn hơn thế nữa!
Chưa dừng lại ở các hoạt động bề nổi mang thuần tính chuyên môn, Hội Mô tô ĐBSCL đã “đá” sang một sân chơi khác mang đậm tính nhân văn mà dường như hiếm có tổ chức xã hội nghề nghiệp nào trong lĩnh vực thể thao đã từng thể hiện.
Bằng sự tự thân vận động các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh, hàng năm CLB Mô tô Bến Tre đã thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện. Riêng trong năm 2013, CLB đã tặng 3000 quyển tập vở cho học sinh nghèo ở Bến Tre vào dịp hè (trị giá 12 triệu đồng), kết hợp với Chi đoàn TNCSHCM Công an huyện Mỏ Cày Nam tặng 10 phần quà (3 triệu đồng) cho các hộ gia đình nghèo khó tại 2 xã Cẩm Sơn và Ngãi Đăng (huyện MC Nam); tặng 1200 phần quà và 500 lồng đèn cho trẻ em nghèo tỉnh Bến Tre nhân dịp Tết Trung thu 2013 (22 triệu đồng); ngày Quốc tế Người Cao tuổi tặng cho người nghèo 200 phần quà (40 triệu đồng); hỗ trợ xây 1 căn nhà tình thương ở xã Tân Thanh Tây (15 triệu đồng).
Đặc biệt, ngày 1/12/2013, hội viên Phan Duy Thanh đã bỏ tiền xây tặng 1 cây cầu ngang 3m, dài 16m ở xã Hương Mỹ - huyện MC Nam, trị giá 185 triệu đồng. Theo Phó hội trưởng Nguyễn Thanh Liêm (Vĩnh Long), trong năm 2013, Hội đã chi tổng cộng 305 triệu đồng cho hoạt động công tác xã hội - từ thiện và tất cả đều do anh em hội viên tự nguyện đóng góp với tinh thần “của ít, lòng nhiều”.
Từ đó mới thấy, đồng tâm hiệp lực làm việc xã hội hay từ thiện góp phần giảm bớt nỗi khó khăn cho một bộ phận người dân là một việc rất đáng được biểu dương, nhân rộng điển hình nhưng mỗi khi được nhắc đến, Hội trưởng Thái Đình Phùng vẫn khiêm tốn cho biết: “Những việc làm vừa qua chỉ là thể hiện phần nhỏ tấm lòng của anh chị em hội viên đối với những người gặp hoàn cảnh khốn khó. Sang năm 2014 và những năm tiếp theo, Hội chúng tôi sẽ tăng cường vận động để sao cho hoạt động này ngày càng hiệu quả và có chiều sâu hơn”.
Đầu năm 2014, khi được Sở VHTTDL Bến Tre thông báo Liên đoàn Xe đạp – Mô tô thể thao VN quyết định tặng 3 Bằng khen cho Nguyễn Huy Hòang (Long An), Thái Đình Phùng, Nguyễn Thế Hưng (đều của Bến Tre) và 22 Giấy khen cho những hội viên Hội Mô tô ĐBSCL vì những đóng góp nổi bật trong năm 2013, Hội trưởng Thái Đình Phùng vẫn tỏ ra ái ngại như sợ sẽ làm phiền…
Ở họ, dường như cái khí chất của những người “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thể hiện một cách thầm lặng trong tâm trí và việc làm, nhưng nó lại đã và đang luôn đồng hành với các đóng góp tích cực mỗi khi họ được ngồi trên yên “Ngựa sắt” ở khắp nẻo đường của quê hương và của đất nước.
Trong số 43 hội viên nam nữ, điều thú vị là có một “ông Tây” vui tính luôn sát cánh trong tất cả các hoạt động của Hội, đó là ông Jim Piere (quốc tịch Pháp). Tiếp xúc với Thể Thao trên chuyến phà Cổ Chiên vào trưa ngày 10/1 sau chăng 4 giải Xe đạp nam toàn quốc tranh Cúp Truyền hình Bến Tre 2014, đứng cạnh vị phu nhân người Việt trong dáng vẻ không chút mệt nhọc, ông Jim tươi cười cho biết, ông đã 66 tuổi, về hưu cách nay khá lâu. Tuy vẫn sở hữu một số nhà hàng tại Pháp nhưng khi sang VN làm ăn với vị thế là chủ khu đồn điền rộng vài trăm hecta tại Lâm Đồng, ông Jim Piere có niềm đam mê tột cùng là được trực tiếp lái mô tô tham gia các sự kiện thể thao lớn nhỏ (hiện ông có 3 chiếc mô tô, với tổng giá trị trên 100 ngàn USD). Đầu tiên là “hoạt động” ở Bảo Lộc cách nay 3,5 năm và giờ đây là hội viên chính thức của Hội Mô tô ĐBSCL từ năm 2012, do ông đã có mặt ở nhiều giải Xe đạp của khu vực ĐBSCL, trong đó tham gia giải do Bến Tre tổ chức đủ 3 lần.
|
THANH TÙNG