Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Lâm Quang Thành nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng đầu tư và phát triển khoa học công nghệ TDTT để góp phần đưa sự nghiệp TDTT nước nhà lên một bước phát triển mới. Ngay trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2020 cũng nhấn mạnh giải pháp đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ và y học thể thao.
Xuất phát từ những yêu cầu thiết thực nhằm nâng cao thành tích thi đấu của các VĐV tại ASIAD 18 và các kỳ TVH Olympic tiếp theo cũng như để phục vụ cho việc phát triển sâu, rộng phong trào TDTT quần chúng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu sinh, Tổng cục TDTT đã giao cho Viện KHTDTT xây dựng Đề án “Phòng thí nghiệm trung tâm”. Sau hơn 1 năm tiến hành, đến nay dự thảo Đề án đang từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên để Đề án sớm được hoàn thiện có thể kịp thời phục vụ công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV ưu tú chuẩn bị cho ASIAD 18 thì rất cần những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà quản lý và các nhà khoa học. Đây cũng là lý do mà Viện KHTDTT tổ chức buổi Hội thảo này.
|
TS.Nguyễn Danh Hoàng Việt trình bày báo cáo dự thảo Dự án đầu tư thiết bị khoa học-công nghệ cho phòng thí nghiệm trung tâm (Ảnh: Văn Duy) |
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt – Phó Viện trưởng Viện KHTDTT trình bày báo cáo dự thảo Dự án đầu tư thiết bị khoa học – công nghệ cho phòng thí nghiệm Trung tâm thuộc Viện KHTDTT. Đây cũng là một trong những điểm mấu chốt để có thể triển khai Đề án.
Báo cáo cho thấy, hiện trang thiết bị khoa học công nghệ của Viện KHTDTT thiếu thốn về chủng loại, số lượng so với yêu cầu của nhiệm vụ trong thời gian tới. Chất lượng các trang thiết bị giảm sút vì đã sử dụng qua nhiều năm. Do vậy, khi triển khai Đề án cần xây dựng dự án đầu tư thiết bị khoa học-công nghệ cho phòng thí nghiệm trung tâm. Theo dự thảo, Dự án thiết bị khoa học-công nghệ cho phòng thí nghiệm trung tâm của Viện KHTDTT sẽ được thực hiện từ năm 2014 - 2016 và chia làm 3 giai đoạn (mỗi giai đoạn là 1 năm).
Phát biểu tại Hội thảo, hầu hết các nhà quản lý, các nhà khoa học đều đánh giá cao sự cần thiết phải xây dựng một Phòng thí nghiệm trung tâm, tuy nhiên theo GS.TS.Chu Đình Tính để Đề án Phòng thí nghiệm trung tâm thực sự mang lại hiệu quả cao khi đưa vào ứng dụng thì cần phải tính đến sự đồng bộ của các trang thiết bị, cần phải có sự lựa chọn chính xác các nhà cung cấp, quan tâm đặc biệt đến năng lực khoa học của các nhà cung cấp này. Một điều rất quan trọng trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án là cần phải có nguồn kinh phí dành cho việc đào tạo nguồn nhân lực, bởi thực tế cho thấy rằng máy móc dù có hiện đại đến đâu mà không có người khai thác và vận hành được thì cũng không đem lại hiệu quả cao.
|
Hội thảo có sự tham dự rất đông các nhà quản lý, các nhà khoa học trong lĩnh vực TDTT (Ảnh: Văn Duy) |
Đồng quan điểm với GS.TS.Chu Đình Tính, GS.TS.Dương Nghiệp Chí cho biết: Hiện trên thế giới chưa có nước nào xây dựng phòng thí nghiệm theo hướng tổng hợp đa lĩnh vực, tức phòng thí nghiệm trung tâm phục vụ cho cả nhiệm vụ phát triển TTTTC và TDTT quần chúng, trường học. Do vậy việc triển khai xây dựng Đề án rất cần nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lý để mang tính hiệu quả cao.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo, PGS.TS. Lâm Quang Thành cho biết: Hội thảo lần này mới chỉ là bước khởi đầu để xây dựng Đề án "Phòng thí nghiệm trung tâm". Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các nhà quản lý, các nhà khoa học và đây cũng sẽ là cơ sở, nền tảng để Ban soạn thảo Đề án tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung để sớm hoàn thiện Đề án trình Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT phê duyệt.
V.A