Ở tuổi 20, khi được khoác chiếc áo số 10 của Cao Cường để lại, Hồng Sơn ra sân với trạng thái “thèm bóng” chứ không như Công Phượng bây giờ nhìn bóng là ngán.
Sau Hồng Sơn, Thạch Bảo Khanh mới 17, 18 tuổi được đưa lên đội 1 và trở thành hiện tượng trẻ nhưng có bao nhiêu trận Khanh được đá chính.
Hồng Sơn và Thạch Bảo Khanh hồi đấy may mắn vì được đào tạo trong một môi trường có nhiều nhà chuyên môn hiểu rất rõ cuộc chơi và sự hòa nhập của các cầu thủ trẻ. Thậm chí là Hồng Sơn có lúc bị bệnh ngôi sao, trốn tập đi quay show quảng cáo dầu gội đã bị bố Liêm (Trưởng đoàn Bóng đá Thể Công Hà Quang Liêm) kỷ luật ngầm khi bắt điểm danh và tập đầy đủ các giáo án nhưng không được ra sân thi đấu cả tháng trời bất chấp Thể Công thi đấu sa sút vì thiếu Hồng Sơn. Hồi đấy báo chí vây bố Liêm hỏi ông về việc Thể Công thiếu người nhưng Hồng Sơn lúc nào cũng áo quần chỉnh tề xỏ giày theo đội và cũng đăng ký thi đấu nhưng không được ra sân thì ông chỉ nói nhỏ nhẹ: “Sơn vẫn đang làm nghĩa vụ của một người lính và anh chưa ra sân vì chưa được chuẩn bị tốt nhất, chưa sẵn sàng như một người lính xung trận”.
Bẵng đi thời gian dài mới thấy Hồng Sơn trở lại và đó là lần trở lại thật thuyết phục. Sau này thì chính Sơn bật mí rằng suốt thời gian anh không ra sân là bị kỷ luật ngầm nhưng cái cách mà bố Liêm “treo” anh và giúp anh nhìn lại mình để tốt hơn khiến anh rất nể và thật sự hối lỗi vì những gì anh cứ nghĩ mình là ngôi sao và toàn đội cần anh.
Công Phượng bây giờ không vướng vào chuyện xé rào và chịu kỷ luật như Hồng Sơn trước đây nhưng đang rất khó khăn tìm lại mình. Và đúng là ở CLB lẫn ở đội tuyển chưa có ai đủ khả năng để giúp Phượng tìm lại sự cân bằng cần có.
Ngược lại thì chính Công Phượng đang bị người lớn khai thác một cách quá đáng. Những show quảng cáo mà Phượng phải để tóc dài và tham gia không phải là show của cá nhân Phượng mà làm vì CLB, vì lãnh đạo. Những lần Phượng đến trường ĐH trong ngày khai giảng, Phượng cũng không được bình yên như một sinh viên. Thậm chí là chiếc áo trắng Phượng mặc cũng được cài logo nhà tài trợ rồi không phải mà tự nhiên ngày đấy báo chí đến thật đông và dồn hết ống kính vào Phượng lẫn cái logo trên áo Phượng.
Phượng ở CLB cũng không bình yên và lên đội tuyển cũng thế. Thậm chí là đã có cuộc thỏa thuận của những nhà làm bóng đá với ông Miura về việc đừng gọi Phượng tập trung đội tuyển đi Thái Lan mà để Phượng ở nhà cho người lớn “đánh quả” để bán vé (trận giao hữu U-23 Việt Nam – U-23 Myanmar) và để lại quả qua lại cho cái gọi là “có Công Phượng ra sân”.
Bầu Đức là người có cái tâm với lứa cầu thủ trẻ này nhưng chắc chắn ông cũng không thể kiểm soát hết việc “lính” mình khai thác Công Phượng quá nhiều. Ông có lúc bực mình các đồng nghiệp ở VFF khai thác thằng bé nhiều quá và cũng có lúc ông bầu này vì nể những nhà tài trợ, những nhà tổ chức mà cho qua và để họ khai thác quanh cái tên Công Phượng.
Công Phượng cứ phải ra sân một cách ngán ngẩm mà chẳng có khoản nghỉ nào cần thiết để tĩnh lại, để bình yên hoặc để giấu mình trong những khoảng lặng cần thiết.
Đừng trách Công Phượng xuống phong độ hay chơi bóng một cách vô hồn mà hãy nhìn xem những người lớn quanh Phượng có ai như bố Liêm của Hồng Sơn ngày nào.
Theo thethaovietnam.vn