Thật ra không phải đến bây giờ Phước Hưng mới chăm chỉ tập tiếng Anh. Chàng trai vàng của TDDC luôn tranh thủ mọi lúc mọi nơi để nạp thêm vốn hiểu biết về ngoại ngữ. Anh muốn có thể tự tin giao tiếp với các VĐV cũng như HLV nước bạn, tại các giải đấu nước ngoài.
Được một chuyên gia người Trung Quốc phát hiện ra khả năng TDDC từ năm 6 tuổi, 7 tuổi Phạm Phước Hưng đã sang Trung Quốc tập huấn thời gian dài. Tuổi thơ của Phước Hưng lớn lên cùng những bài tập uốn dẻo, xà đơn, xà kép, xoay người trên không cùng các bài học văn hóa vào buổi tối.
Giữa khoảng thời gian những năm 2013 - 2014, dồn dập các giải đấu quốc tế, Phước Hưng vẫn chăm chỉ theo chương trình đại học thể dục thể thao Từ Sơn, Bắc Ninh. Chưa bao giờ Hưng tạm hài lòng với những gì mình đang có.
Nghị lực, dũng cảm, phi thường, đó là những tính từ quen thuộc người ta nhắc đến Phước Hưng đến tận bây giờ. Một người tưởng suýt thành tàn phế, Phước Hưng vẫn ráng gượng dậy, để trở thành một người bình thường, sau đó thành một VĐV nổi danh với liên tiếp các huy chương vàng.
Hưng không thể quên một ngày năm 2006, anh phát hiện ra căn bệnh lao xương, mòn 2 đốt xương cột sống. Mọi cánh cửa tưởng khép lại trước mắt.
Ngay cả các chuyên gia về xương hàng đầu của Trung Quốc và Hàn Quốc đều cho rằng Hưng không thể tiếp tục với bộ môn này, nếu anh hồi phục được sức khỏe đã là một điều may mắn. Phải mất đến nửa năm, Hưng chỉ nằm bất động trên giường, ngày nào anh cũng phải tiêm thuốc, người gầy rộc đi.
Giữa tận cùng những nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần, Hưng nhớ TDDC quay quắt. Đỡ được một chút, với cái lưng bị lệch, Hưng vẫn ra Cung thể thao Quần Ngựa để xem các em tập luyện cho đỡ nhớ.
Không buông bỏ mục tiêu phải khỏi bệnh, Hưng chăm chỉ uống thuốc, thực hiện đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, thật khó tin năm 2007 anh đã hồi phục, bệnh lao xương biến mất toàn bộ.
Bố mẹ Hưng mừng rớt nước mắt, cả nhà cấm anh không được nghĩ đến TDDC nữa, thế nhưng Hưng vẫn thuyết phục được sống với đam mê. Cả nhà nhượng bộ, cho anh được tập nhẹ nhàng trong 3 tháng, nhưng Hưng giấu mọi người tập nặng.
Vừa tập vừa lắng nghe cơ thể mình, Hưng mừng rỡ là nó đã “ngoan”, biết lắng nghe, các khớp xương không còn “biểu tình” nữa, Hưng có thể thực hiện tất cả các động tác khó giống như trước đây anh từng tập luyện và thành công.
Những người chứng kiến con đường của Phạm Phước Hưng mừng rớt nước mắt khi kỳ SEA Games đầu tiên mà Hưng trở lại, vào năm 2007, anh đã giành HCV.
SEA Games năm 2013, chàng VĐV bản lĩnh này giành tiếp 2 tấm HCV, Hưng cũng trở thành nam tuyển thủ đầu tiên của môn này vô địch thế giới tại World Cup 2013.
Tại giải thể dục dụng cụ FIG Artistic Gymnastics World Challenge Cup 2013 diễn ra ở Ljubljana (Slovenia), Phạm Phước Hưng đã xuất sắc giành huy chương vàng nội dung xà kép. Còn tại Cúp thể dục dụng cụ Croatia 2014, anh lội ngược dòng để vươn lên vị trí á quân.
Điển trai, vẻ mặt thư sinh, chàng trai sinh năm 1988 ở Cần Thơ (bố mẹ là người gốc Bắc) mang tên Phạm Phước Hưng, như ước vọng của bố mẹ lúc nào anh cũng gặp được may mắn, bình an.
“Hot boy” không phải là một biệt danh ảo với Phước Hưng. Có một thời gian dài, nhiều tạp chí, chương trình thời trang, truyền hình mời Hưng làm nhân vật trang bìa, khách mời.
“TDDC vẫn là tình yêu lớn với tôi. Tôi chưa nghĩ đến một ngã rẽ khác. Tuy nhiên nếu sau khi tôi đạt được những ước mơ của mình, nếu có những cơ hội được thử sức ở các vai trò khác, tôi cũng muốn thử sức,” Phước Hưng nói về những lời mời đóng phim, người dẫn chương trình truyền hình.
Hiện tại, gia đình chàng trai nổi đình đám của TDDC đang sinh sống ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Em trai của Hưng là Phạm Quốc Hiếu, một VĐV trẻ tuổi của TDDC Hà Nội.
Từ bản lĩnh và sự cố gắng không mệt mỏi của Phạm Phước Hưng, cha mẹ anh đã trọn vẹn đặt niềm tin vào 2 con trai, người đều chọn thể thao - khác biệt nhất với đường đi của tất cả các thành viên trong dòng họ.
Theo tinthethao.com.vn