Giải tập hợp được 13 đoàn là: Campuchia, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan và chủ nhà Việt Nam (3 đoàn: VN 1, VN 2, VN 3). Tổng cộng có 159 VĐV và 75 lãnh đội, HLV, trọng tài có mặt tại giải. Các VĐV tranh tài ở 16 hạng cân. Những hạng cân dành cho nữ là: 45; 48; 52; 57; 63; 70; 78 và trên 78 kg. Nam VĐV thi đấu ở những hạng cân: 55; 60; 66; 73; 81; 90; 100 và trên 100 kg. Hai đoàn Myanmar và Malaysia không tham dự giải do thiếu kinh phí. Hai đoàn Hong Kong, Đài Loan cử thành phần là các VĐV mới. Đoàn Hàn Quốc gồm các VĐV của Đại học Incheon và Học viện cảnh sát Incheon. Đa số các nước Đông Nam Á đều cử đội tuyển dự giải, với rất nhiều VĐV từng có huy chương ở SEA Games. Giải lần này sẽ là cơ hội để các VĐV chủ nhà cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn trước khi bước vào mục tiêu chinh phục những thành tích cao tại SEA Games 23 cuối năm.
Chủ nhà Việt Nam có 3 đội thi tài. Thành tích của mỗi VĐV ở giải này đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lọc ra đội hình chính thức trước khi đội tuyển có chuyến tập huấn ở nước ngoài, chuẩn bị cho SEA Games. Như vậy, sự cạnh tranh giữa các VĐV Việt Nam sẽ khá quyết liệt bởi ai cũng mong muốn trụ lại và lọt vào ĐTQG. Ba đội của Việt Nam gồm hầu hết là các VĐV chính thức, có mặt trong ĐTQG, từng tham gia, có thành tích tại các kỳ SEA Games, một số võ sĩ đã có thành tích ở cấp độ châu lục. Một số võ sĩ mạnh, tiêu biểu của chủ nhà là: Văn Ngọc Tú, đoạt HC đồng giải trẻ châu Á 2005, HC vàng ĐNA năm 2004 thi đấu ở hạng cân 48 kg dành cho nữ; Nguyễn Thị Dĩnh, HCV SEA Games 22, HCĐ giải quốc tế Hà Nội năm 2004, tranh tài ở hạng cân 70 kg; Trần Văn Đoạt, có HCV SEA Games 22, HCB giải quốc tế Hà Nội 2004, thi đấu ở hạng cân 60 kg. Ngoài ra còn có VĐV Phạm Quốc Lập, người gặt hái được những thành tích: HCV ĐNA 2004, HCV giải quốc tế Hà Nội năm 2004, ở hạng cân 81 kg; Lê Việt Dũng đoạt HCV SEA Games 22, HCB ĐNA 2004, đọ sức ở hạng cân 90 kg. Những võ sĩ trên có mặt trong thành phần đội Việt Nam 1 tham dự giải, gồm hầu hết là thành viên của ĐTQG. Đội Việt Nam 2 có đa số VĐV nằm trong ĐTQG và từng dự những giải quốc tế. Đội Việt Nam 3 gồm một số VĐV tuyển quốc gia và tăng cường các võ sĩ trẻ, đầy tiềm năng của Hà Nội.
Nhân dịp này, Liên đoàn Judo châu Á (LĐJDCA) tổ chức một lớp dành cho các trọng tài, HLV... của các Liên đoàn thành viên. Mỗi nước, vùng lãnh thổ được cử 2 người theo học khoá này, hiện tại sĩ số của lớp là 20 học viên. Đây là cơ hội để chúng ta cử các HLV dự khoá huấn luyện bổ ích này, theo đó tiếp thu những kiến thức chuyên môn cần thiết, do những chuyên gia của LĐJDCÁ trực tiếp giảng dạy.
Đồng thời, Liên đoàn Judo thế giới còn cử ông Yamashita - Giám đốc giảng dạy và huấn luyện, vô địch thế giới nhiều năm liền, ông Carlos - Tổng trọng tài Judo thế giới, người Tây Ban Nha, ông Tổng thư ký LĐJDTG cùng một số quan chức của LĐJDCA tới Việt Nam để kiểm tra phong trào, hạ tầng cơ sở của chúng ta, do Việt Nam mong muốn đăng cai giải Judo trẻ thế giới. Cuộc họp vào tháng 9 tới của LĐJDTG sẽ quyết định có chọn Việt Nam là nước đăng cai tổ chức giải trẻ thế giới hay không.
Ngày 29/7, BTC giải tiến hành may số lên áo, họp lãnh đội, bốc thăm, họp trọng tài. Ngày 30/7 giải khởi tranh và 31/7 bế mạc.
Theo VnExpress.net