TDTT quần chúng
Cùng với việc phát triển kinh tế, trong những năm qua, nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân trong tỉnh ngày càng cao, đáp ứng với nhu cầu đó, phong trào TDTT quần chúng của địa phương ngày càng phát triển không chỉ ở các vùng trung tâm huyện, thaàh phố mà đã phát triển ở cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động thể thao đã thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, bao gồm các môn thể thao truyền thống và hiện đại.
Ước tính, trung bình mỗi năm ngành TDTT Lâm Đồng tổ chức 40 giải thể thao truyền thống cấp tỉnh, 15 - 25 giải cấp huyện. Ngoài ra, ngành TDTT còn phối hợp tổ chức các ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức các Hội thao, thi đấu giao lưu, giao hữu các môn thể thao nhân dịp chào mừng các ngày Lễ lớn của đất nước, của ngành và các sự kiện chính trị của địa phương. Theo đó, tính đến nay, toàn tỉnh bình quân số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 20,21% (năm 2003 là 17,63%); số gia đình thể thao đạt 10,07% (năm 2003 chỉ có 1,64%).
Nổi bật trong phong trào TDTT quần chúng là công tác tổ chức Đại hội TDTT các cấp theo chu kỳ 4 năm 1 lần đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Qua đó, nâng cao thể thao thành tích cao của tỉnh, đồng thời chuẩn bị lực lượng tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI sẽ diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 12/2010. Bên cạnh đó, Đại hội còn nhằm huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị thi đấu, nâng cao năng lực tổ chức, điều hành các hoạt động TDTT các cấp. Mỗi kỳ Đại hội TDTT cấp xã, phường, thị trấn thu hút trên 2.000 người, cấp huyện trên 10.000 người tham gia và cổ vũ. Điều này đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ về tinh thần cho người dân.
Thể thao thành tích cao
Dưới sự chỉ đạo của các cấp cũng như sự cố gắng nỗ lực của toàn ngành TDTT Lâm Đồng, thể thao thành tích cao của Lâm Đồng đã có sự tiến bộ và có bước phát triển. Nếu năm 2003 trở về trước, số đội tuyển cấp tỉnh còn rất ít, thành tích thể thao cũng rất hạn chế, nhưng đến nay, sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 17, ngành TDTT Lâm Đồng đã có 8 đội tuyển các môn: Thể hình, Cờ Vua, Taekwondo, Karatedo, Cầu lông, Bóng bàn, Điền kinh, Quần vợt,... Hàng năm, các đội tuyển của tỉnh có khoảng trên 160 VĐV tham gia thi đấu ở các bộ môn và đạt được nhiều thành tích. Trong đó, phải kể đến môn Cờ Vua (VĐV Lê Hữu Thái đã giành HCB Châu Á), Thể hình (1HCV tại Sea Games)... Năm 2003, các đội tuyển của tỉnh Lâm Đồng chỉ giành được 43 huy chương các loại tại các giải toàn quốc, khu vực và châu lục (6 HCV, 11 HCB, 26 HCĐ) đến năm 2009, con số này tăng hơn gấp 2 lần với 97 huy chương các loại (25 HCV, 35 HCB và 37 HCĐ).
Ngoài những thành tích trên, TDTT Lâm Đồng vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Công tác định hướng phát triển quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện sự nghiệp TDTT còn chậm và lúng túng, đặc biệt là việc quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu các môn thể thao còn nhiều bất cập; sự phát triển chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở những vùng kinh tế phát triển; sự quan tâm của một số cấp uỷ Đảng chưa tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp TDTT, chưa ngang tầm với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.
Một số bài học kinh nghiệm
Trước hết, phải làm cho cán bộ, Đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí phát triển sự nghiệp TDTT trong việc cải thiện giống nòi và góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của người dân. Thông qua hoạt động TDTT còn góp phần quan trọng để phát triển nguồn lực con người cả về thể lực, trí tuệ. Từ đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể đối với sự nghiệp phát triển TDTT.
Hai là: phải tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và kịp thời tham mưu cho cấp uỷ Đảng, ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động về TDTT một cách kịp thời, sát đúng với tình hình cụ thể của từng địa phương.
Ba là, tăng cường kiểm tra, đánh giá sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, nhân rộng các điển hình tiên tiến về công tác TDTT, nắm bắt kịp thời những mặt mạnh, mặt yếu, những việc còn tồn tại để đề ra các nội dung, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.
Bốn là, tiến hành quy hoạch tổng thể cơ sở vật chất ở các địa phương, đẩy mạnh công tác XHH, phối kết hợp chặt chẽ các tổ chức xã hội hằm nâng cao khả năng thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào các hoạt động TDTT; đầu tư kinh phí, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ làm công tác TDTT, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích cao.
Năm là, thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền đến mọi người,mọi nhà và kiên trì vận động, hướng dẫn người dân tham gia rèn luyện TDTT để nâng cao sức khoẻ, phục vụ lao động và học tậ.
Hà Linh