Tham dự cuộc thi có 385 VĐV quốc tế đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Singapore, Thái Lan, Hong Kong, New Zealand, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Đức, Nam Phi, Canada, Colombia… Đặc biệt, tại cuộc thi lần này có sự góp mặt của VĐV John Wallace (69 tuổi), từng đăng ký tham gia trên 300 Cuộc thi trên 100 quốc gia và Việt Nam là quốc gia thứ 117.
Ngay sau lễ khai mạc, các VĐV bước vào tranh tài 3 cự ly Marathon (42,195km), bán Marathon (21,0975km) và phong trào 5km. Kết quả chung cuộc ở cự ly bán Marathon, nhất nam: Lê Văn Tuấn (Việt Nam) với thành tích 1 giờ 15 phút; Nhì: Nguyễn Trường Sinh; Ba Nguyễn Đăng Khoa; Nhất nữ: Phạm Thị Bình, với thành tích (1 giờ 24 phút 15 giây); Nhì: Trần Thị Diễm Kim. Ở cự ly Marathon, Nhất nam: Phạm Văn Long (với thành tích 2 giờ 56 phút 31 giây); Nhì nam Lý Văn Chiến; Nhất nữ ở cự ly Marathon: Phạm Quỳnh Lê; Nhì: Nông Minh Nguyệt.
Theo Ban tổ chức cuộc chạy Marathon quốc tế lần này nhằm đánh giá thành tích của tất cả các VĐV đã được đo bằng hệ thống Chíp và được cài đặt sẵn trong bảng số của mỗi VĐV. Thành tích này có giá trị công nhận quốc tế, do vậy các VĐV có thể sử dụng thành tích này để đăng ký tham dự các cuộc đua Marathon khác.
Với sự kiện này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 117 tổ chức cuộc thi Marathon quốc tế, đồng thời trở thành thành viên thứ 97 của hệ thống thi đấu Hiệp hội Marathon quốc tế (AIMS).
Đây là cuộc thi Marathon lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, do vậy hầu hết các VĐV nước ngoài đến tranh tài đều không phải là những VĐV tên tuổi của Marathon thế giới. Điều này đã tạo một lợi thế lớn cho những VĐV Việt Nam, là những VĐV chuyên nghiệp. Vì thế, trong hành trình thi đấu của các nội dung, những VĐV Việt Nam không khó để vượt lên dẫn đầu từ rất sớm, duy trì ưu thế trong suốt chặng đường đua và chạm đích đầu tiên.
Thu Thanh