Là một hoạt động lớn, nhằm phát triển sâu rộng phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" và "Khỏe để bảo vệ và xây dựng tổ quốc" Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V đã kết thúc với nhiều thành tích đáng mừng.
Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V diễn ra từ 1/1 - 24/9/2006, với sự tham gia của 7.942 VĐV, 1.600 HLV, 721 cán bộ đoàn và lãnh đội cùng 1975 trọng tài, 4500 nhân viên phục vụ.
Điểm đặc biệt về chuyên môn tại Đại hội là sự thay đổi lớn về bản đồ huy chương của các tỉnh trong bảng tổng sắp cũng như chất lượng các đoàn tham gia thi đấu đã được nâng cao rõ rệt. Trong khi Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ III có 48 đoàn giành huy chương tại 26 môn thi, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV đã tiến bộ hơn với 59/64 đơn vị tham gia giành được huy chương (43 đơn vị giành HCV), Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V được tổ chức với quy mô và số lượng các môn thi đấu lớn nhất từ trước đến nay. Với 66 đơn vị (64 Sở TDTT và 2 ngành: Quân đội, Bộ Công an), tham gia tranh tài ở 53 môn và phân môn gồm 676 nội dung, kết quả 66/66 đoàn đều giành huy chương (chiếm 100%) và có tới 60/66 đơn vị giành được HCV (6 đơn vị không giành HCV đều thuộc các tỉnh miền núi). Tại Đại hội V, lần đầu tiên các môn thể thao dân tộc được đưa vào chương trình thi đấu chính thức.
Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các tỉnh miền núi, các tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ đã đạt được thành tích rất đáng biểu dương. Nhất là các tỉnh như: Bình Định, Bắc Giang, Bình Dương, Lâm Đồng, Phú Yên, Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Cạn, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên, Bình Phước...đều giành được HCV (ở Đại hội lần thứ IV các đơn vị này không có HCV). Đặc biệt, trong số đó một số tỉnh đã vươn lên thứ hạng cao như: Bắc Giang (13), Bình Định (28), Hoà Bình (32)...
Kết thúc Đại hội, các đơn vị: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Quân đội, Hải Phòng, Bộ Công an lần lượt đã giành những thứ hạng cao nhất, xứng đáng với truyền thống là các trung tâm thể thao thành tích cao phát triển. Bên cạnh đó, Thái Nguyên, Hải Dương, Đồng Tháp, An Giang, Thanh Hoá... cũng có những bước phát triển mạnh, giành thứ hạng cao tại Đại hội.
22 địa phương đăng cai tổ chức các môn và phân môn tại Đại hội đều hoàn thành tốt nhiệm vụ từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chuyên môn của từng môn thi đến công tác tuyên truyền; nghi lễ khai mạc, bế mạc, trao thưởng; an ninh; y tế... theo đúng quy định về tổ chức Đại hội. Để đạt được những thành công trên, các Tỉnh uỷ, UBND cùng các ban, ngành liên quan đã quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để các Sở TDTT hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức giải. Đồng thời, BTC các môn đã phối hợp có hiệu quả với các địa phương, tổ chức tốt các cuộc thi, điển hình là các địa phương: Bình Phước (Việt dã leo núi), Thừa Thiên Huế (Việt dã báo Tiền Phong, Bơi vượt sông truyền thống), Hà Nội (Wushu, Thể dục dụng cụ, Đua thuyền, Rowing, Canoeing), Đồng Nai (Thể dục thể hình, Cầu mây), Bến Tre (Judo) và đơn vị đăng cai VCK Đại hội - Tp. Hồ Chí Minh.
Ngoài những thành công đã đạt được, vấn đề tổ chức tại số ít môn thi đấu vẫn còn một số điểm cần nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm và khắc phục. Đó là tồn tại về công tác tổ chức và điều hành của trọng tài tại các môn: Đua xe đạp địa hình, Đẩy gậy, Điền kinh, Vovinam. Đồng thời, Đại hội V đã gióng lên hồi chuông về tình trạng fair-play trong thể thao. Tại một số môn mà điển hình là Karatedo, Taekwondo đã có hiện tượng HLV và VĐV hành xử, phản ứng gay gắt vì quá coi trọng vấn đề ăn, thua trong thi đấu. Điều này đã dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho VĐV. Tuy nhiên về tổng thể, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V đã thành công.
HX