Trong buổi thi đấu cuối cùng của giải, đường đua xanh thực sự sôi động bởi sự tranh đua quyết liệt của các VĐV và tiếp tục thiết lập 3 KLQG mới nâng tổng số lên tới 13 KLQG mới và 18 lượt VĐV phá KLQG tại giải. Trong đó có sự đóng góp đáng kể của 3 VĐV khi phá được 2 KLQG cá nhân: Trần Bảo Thu (400m VHCV nam, 800m VHCV nam), Lê Minh Trung (400m khí tài nam, 800m khí tài nam) của đoàn Tây Ninh và Chu Thị Minh Thuỳ (400m khí tài nữ, 800m khí tài nữ) của đoàn Hải Phòng.
Đồng thời, BTC giải đã ghi nhận 23 kỷ lục Đại hội mới được thiết lập.
Giải đã ghi nhận bước nhảy vọt của đoàn Tây Ninh khi giành tới 7 HCV, đứng thứ 2 vị trí toàn đoàn tại Đại hội này so với Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV chỉ đạt 1 HCV (đứng thứ 4). Đó là một kết quả hết sức bất ngờ, cho thấy sự quan tâm, đầu tư đúng hướng của ngành TDTT Tây Ninh. Ngược lại với Tây Ninh, một số VĐV trẻ đoàn Tp. Hồ Chí Minh đã thi đấu không thành công nên chỉ giành 2 HCV, 2HCB và 5HCĐ, đứng ở vị trí thứ 4, sau Hải Phòng (5 HCV). Hà Nội tuy bảo vệ ngôi vô địch toàn đoàn nhưng số lượng HCV tại Đại hội lần này (8HCV) ít hơn Đại hội IV tới 3 chiếc.
Trong suốt quá trình diễn ra giải, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra, một số trường hợp phạm quy (trong đó có nhiều kỷ lục gia, nhiều VĐV có khả năng giành HCV và phá KLQG) đã được Hội đồng trọng tài xử lý theo đúng luật.
Giải đã để lại ấn tượng sâu sắc cho NHM chính ở tinh thần thi đấu tích cực và sự tranh đua, luân chuyển vị trí dẫn đầu của VĐV các đội trên các đường đua xanh, đặc biệt, sự chạy đua đến ngôi vô địch toàn đoàn của Hà Nội và Tây Ninh rất quyết liệt và đã có kết quả sát nút nhau (chênh lệch 1 HCV).
Kết quả chung cuộc: 1- Hà Nội (8HCV, 7HCB, 0HCĐ); 2- Tây Ninh (7, 3, 1); 3- Hải Phòng (5, 1, 1); 4- Tp. Hồ Chí Minh (2, 2, 5); 5- Thanh Hoá (1, 2, 4); 6- Hà Nam (1, 0, 1); 7- Quân Đội (0, 6, 4); 8- Đà Nẵng (0, 3, 5); 9- Nghệ An (0, 1, 0); 10- Quảng Trị (0, 0, 2); 3 đoàn Bến Tre, Quảng Bình và Thái Bình không giành được huy chương.
Linh Giang