Các tỉnh, thành đã đưa các chỉ tiêu sử dụng và đầu tư cho các công trình thể thao. Việc sử dụng đất cho thể thao, văn hóa đã dần được khởi động. Nhiều tỉnh thành như Bình Thuận, Hà Nam, Bắc Ninh, hay huyện Mê Linh, Hà Nội đều nhanh chóng có quy hoạch xây dựng các công viên thể thao lớn.
Tại Bình Thuận, dự án Khu liên hợp thể dục thể thao được UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã được triển khai với diện tích đất khoảng 20 ha. Quy mô dành cho khu liên hợp thể dục thể thao cấp tỉnh, dự kiến đầu tư các hạng mục như sân vận động 20.000 chỗ, nhà thi đấu đa năng 3.000 chỗ, khu tập luyện bóng đá, điền kinh ngoài trời, khu tập huấn, huấn luyện trong nhà, trạm xử lý chất thải, dịch vụ vệ sinh công cộng, cây xanh… Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đây là dự án trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn 2026 - 2030. Vì vậy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo, chậm nhất đến ngày 25/11 gửi UBND tỉnh Bình Thuận trình Ban cán sự đảng UBND tỉnh xem xét.
Hay tại Hà Nội, UBND huyện Mê Linh đã phối hợp với Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh. Dự án là tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới, sẵn sàng trở thành địa điểm thi đấu Olympic trong tương lai.
Theo kế hoạch, đến 2030, Mê Linh trở thành vùng đô thị dịch vụ sinh thái phát triển ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô. Mê Linh muốn thu hút và tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ các lợi ích thể thao, văn hóa tối đa. Khu công viên thể thao này là đất cây xanh chuyên đề, bố trí tổ hợp công trình thể dục, thể thao cấp khu vực, với các công trình sân vận động trung tâm, cung thi đấu trong nhà, khu thi đấu ngoài trời, nhà văn hóa đa năng, khu vực thể thao quần chúng và các công trình phụ trợ…
Huyện Mê Linh kỳ vọng, dự án Khu công viên thể dục, thể thao này sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch chi tiết dự án góp phần xác định các khu chức năng để phù hợp với tầm cỡ và nhu cầu phát triển của địa phương, đồng thời hài hòa với kết cấu hạ tầng khu vực xung quanh...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương: “Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của người dân, công nhân các khu công nghiệp. Đến nay, toàn huyện có hơn 1.800 doanh nghiệp, 81 hợp tác xã và khoảng 10 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh, hằng năm đóng góp lớn vào thu ngân sách địa phương. Huyện đã phát triển 2 khu công nghiệp (Quang Minh I và Quang Minh II) với diện tích hơn 700ha, tỷ lệ lấp đầy 95%. Thu hút hàng triệu công nhân đến làm việc. Nằm ở phía Bắc Thủ đô, Mê Linh kết nối với nội thành Hà Nội bằng đường Vành đai 3 (đường Võ Văn Kiệt); cách Sân bay quốc tế Nội Bài 8km; có đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh gắn kết Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, huyện đang được Thành phố đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn, như Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đường Vành đai 3,5, cầu Thượng Cát; đường Tiền Phong - Tự Lập (mặt cắt 48m); đường cảng Chu Phan - quốc lộ 2; đường đê sông Hồng (dài 21km)...”
Hoa Mai