Tiêu chí và phương pháp kiểm tra, đánh giá
Để kết quả kiểm tra, đánh giá đúng thực chất có độ tin cậy cao đòi hỏi trước hết phải tổng hợp phân tích các chỉ số chỉ báo sự phát triển thể dục, thể thao quần chúng trong thời gian gần nhất nhằm xác định những chỉ số nào là tiêu biểu, cơ bản phản ánh bản chất của sự phát triển hay nói cách khác là nhằm xác định rõ nội dung kiểm tra, đánh giá. Kết quả kiểm tra, đánh giá có đảm bảo được tính khách quan trung thực đến mức nào còn phụ thuộc rất lớn vào phương pháp tiến hành kiểm tra đánh giá. Việc chuẩn bị và tiến hành các bước kiểm tra, đánh giá có ý nghĩa không kém phần quan trọng ảnh hưởng tới kết quả kiểm tra, đánh giá.
Tiêu chí
Đánh giá phát triển thể dục, thể thao quần chúng như đã phân tích trên đây đòi hỏi phải toàn diện với các nội dung cơ bản cần có tiêu chí gồm: Mục tiêu với tổng số người được giáo dục thể chất thông qua luyện tập thể dục, thể thao trên địa bàn là bao nhiêu? theo từng đối tượng thế nào? Chất lượng phong trào thể hiện bằng số người tập luyện thường xuyên là bao nhiêu? Số gia đình Thể thao? Điều kiện bảo đảm: Công trình thể thao công cộng do nhà nước đầu tư?quy mô? cấp ngân sách đầu tư? Công trình thể thao do tư nhân đầu tư trên địa bàn? Công trình thể thao có bảo đảm cho người khuyết tật? Đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên , hướng dẫn viên, cộng tác viên, trọng tài thể thao cơ sở về số lượng?chất lượng? Kinh phí của nhà nước chi thường xuyên cho hoạt động thể thao quần chúng? Kinh phí ước tính của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân chi cho hoạt động thể dục, thể thao quần chúng?
Ngoài ra, cũng cần đảm bảo một số chỉ tiêu khác như: Thống kê số lượng các câu lạc bộ thể thao trên địa bàn? Câu lạc bộ thuộc các đơn vị công lập? Ngoài công lập? Số điểm tập theo quy mô số người tập tại mỗi điểm? (Nhằm xác định số người được tham gia hoạt động thể dục, thể thao và số ngưòi tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên là hợp lý có cơ sở tin cậy). Thống kê số lượng các tổ chức xã hội , tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao trên địa bàn? Các hoạt động tuyên truyền phổ biến lợi ích tác dụng của thể dục, thể thao ai tố chức? Số người tham gia? Thống kê số lượng các giải thể thao quần chúng? do ai tổ chức? và số người tham gia mỗi giải trên địa bàn? Số trường học, giáo viên thể dục thể thao? Giảng dạy thể dục chính khoá và tổ chức hoạt động ngoại khoá? Số đơn vị vũ trang đóng trên địa bàn?
Phương pháp kiểm tra, đánh giá
Để đánh giá một hiện tượng người ta thường phải tiến hành kiểm tra, khảo sát, phân tích, tổng hợp và kết luận. Đối với phát triển thể dục, thể thao quần chúng để đánh giá mức độ phát triển của nó cũng phải làm như vậy. Muốn kết quả kiểm tra đạt được độ chính xác cao, tin cậy đòi hỏi phương pháp kiểm tra khách quan, khoa học, dễ thực hiện.
Phương pháp kiểm tra phát triển thể dục, thể thao quần chúng rất phong phú, đa dạng như đi thực tế quan sát, ghi chép, hội thảo, toạ đàm, yêu cầu báo cáo thống kê định kỳ hoặc đột xuất; kiểm tra tổng thể, kiểm tra đại diện khu vực vùng miền, đối tượng v.v. Khi tiến hành kiểm tra, công tác chuẩn bị rất quan trọng từ tài liệu hướng dẫn đến các phương tiện để tác nghiệp trong quá trình kiểm tra; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho người làm công tác kiểm tra.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn về cơ sở vật chất, trình độ và số lượng cán bộ kiểm tra mà lựa chọn phương pháp kiểm tra cho phù hợp đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Phương pháp đánh giá phát triển thể dục, thể thao quần chúng thường dùng là phân tích những số liệu, thông tin thu thập được qua kiểm tra, báo cáo thống kê, so sánh đối chiếu với kế hoạch hoặc chỉ tiêu được giao rồi tổng hợp nhận định, rút ra kết luận khẳng định những thành tựu đã đạt được, yếu kém còn tồn tại; nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề xuất kiến nghị các biện pháp phát huy mặt mạnh, khắc phục những yếu kém.
Vũ Trọng Lợi