Phân tích mẫu
Sau khi nhận được mẫu nước tiểu, phòng thực nghiệm kiểm tra Doping phải mau chóng hoàn thành việc phân tích kiểm tra. Phân tích mẫu nghiêm chỉnh áp dụng biện pháp kỹ thuật được Uỷ ban Y học thể thao của Uỷ ban Olympic phê chuẩn.
Nếu kết quả phân tích mẫu nước tiểu lọ A là dương tính, cần lập tức báo bằng văn bản với nhà đương cục hữu quan. Sau khi kiểm tra đối chiếu lại, quan chức cơ quan kiểm tra Doping phải lập tức thông báo bằng văn bản với Liên đoàn thể thao hữu quan, rồi theo trình tự quy định thông báo VĐV cùng quan chức đoàn thể thao của họ, đồng thời mau chóng xác định việc phân tích kiểm tra mẫu nước tiểu lọ B tại cùng một phòng thực nghiệm, nhưng do người khác thao tác. Cơ quan chống Doping, Liên đoàn thể thao hữu quan và đoàn thể thao của VĐV đều có thể cử người quan sát quá trình phân tích kiểm tra. Nếu kết quả phân tích kiểm tra lọ B vẫn là dương tính, thì kết quả kiểm tra Doping của VĐV này bị kết luận là dương tính.
Ngoài ra, kiểm tra Doping ngoài thi đấu còn gọi là những kiểm tra Doping bất ngờ không thông báo trước, trong thời gian ngoài thi đấu. Năm 1991, Uỷ ban Olympic quốc tế thông qua một bản Nghị quyết, trước tiên thành lập Uỷ ban kiểm tra ngoài thi đấu nằm dưới Uỷ ban Y học của mình. Đến nay, tuyệt đại đa số tổ chức thể thao quốc tế và nhiều nước đều đã bắt đầu thực thi kế hoạch kiểm tra ngoài thi đấu.
Đối tượng kiểm tra ngoài thi đấu chủ yếu là những VĐV nổi tiếng và VĐV thành tích có nâng cao bất thường khác (trong thời gian ngắn). Bởi vậy, những nước có trình độ thể thao càng cao, VĐV ưu tú càng nhiều thì tần số bị kiểm tra Doping ngoài thi đấu càng cao. Có một số tổ chức thể thao quốc tế (như Liên đoàn Bơi quốc tế) yêu cầu các nước định kỳ cung cấp địa chỉ nơi tập luyện, địa chỉ ký túc xá và địa chỉ gia đình mới nhất của các VĐV ưu tú (như thành tích xếp từ 30 đến 50 thứ hạng đứng đầu thế giới), để sẵn sàng kiểm tra Doping ngoài thi đấu bất ngờ .
Đại diện tổ chức thể thao hữu quan, nhân viên lấy mẫu và nhân viên giám sát tiến hành kiểm tra ngoài thi đấu có thể trong tình trạng không được thông báo bất cứ người nào, bất ngờ đến cơ sở luyện tập, ký túc xá hoặc nơi ở thường trú của VĐV tiếp nhận kiểm tra, yêu cầu tiến hành kiểm tra ngoài thi đấu. Bất cứ ai cũng đều không được từ chối hoặc kéo dài tiếp nhận kiểm tra với bất cứ lý do gì.
Nhân viên lấy mẫu và nhân viên giám sát phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách của mình hoặc giấy bổ nhiệm của Uỷ ban chống Doping. Bất cứ VĐV nào bị đột nhiên gọi đến kiểm tra nếu không đến kiểm tra Doping trong thời gian quy định hoặc từ chối cung cấp mẫu nước tiểu, đều bị coi là từ chối tiếp nhận kiểm tra, từ đó bị xử phạt hoặc bị tuyên bố kết quả kiểm tra Doping là dương tính.
Ngày nay, để bảo đảm tính chính xác và độ tin cậy của kết quả kiểm tra Doping, tránh xuất hiện sai sót trong quá trình kiểm tra. Bắt đầu từ thập niên 80 thế kỷ 20, Uỷ ban Y học thể thao của Uỷ ban Olympic quốc tế từng bước thiết lập một hệ thống sát hạch phòng thực nghiệm ưu tú. Mỗi phòng thực nghiệm mới thành lập cần phải thông qua một loạt sát hạch nghiêm túc, mới được Uỷ ban Y học thể thao của Uỷ ban Olympic quốc tế cấp chứng nhận tư cách kiểm tra quốc tế. Sau khi giành được tư cách này, mỗi năm còn cần phải tham gia một lần sát hạch lại, mới có thể giành được tư cách kiểm tra quốc tế trong năm.
Trên thế giới có 27 phòng thực nghiệm kiểm tra Doping, nhưng mỗi năm đều có mấy phòng thực nghiệm bị giáng cấp hoặc bị xoá bỏ tư cách vì sát hạch lại không được thông qua. Do sự tiến bộ của khoa học công nghệ hiện nay, kỹ thuật kiểm tra Doping có độ khó rất lớn, yêu cầu rất cao. Muốn kiểm tra ra 2 na-gam Doping trong 1ml nước tiểu (1 na-gam bằng 1/1 tỉ gam). Trong 10 năm qua có khoảng hơn 20 phòng thực nghiệm của hơn mười nước chưa được thông qua trong sát hạch lại hàng năm.
Hiện nay, Trung tâm kiểm tra Doping của Trung Quốc được Uỷ ban Y học thể thao của Uỷ ban Olympic quốc tế đánh giá là đủ tư cách kiểm tra. Trong các cuộc sát hạch lại hàng năm, Trung tâm kiểm tra Doping Trung Quốc đều được thông qua, là phòng thực nghiệm kiểm tra liên tục hơn 10 năm sát hạch lại đều được thông qua duy nhất ở Châu Á.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao lớn như SEA Games 22, các giải quốc tế và châu lục của các môn thể thao. Đến tháng 10 năm 2009 tới đây, Việt Nam sẽ tổ chức Asian Indoor Games 3 bao gồm hơn 40 quốc gia Châu Á tham dự. Nhưng, hiện nay vẫn chưa xây dựng được Trung tâm kiểm tra Doping tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam. Vì vậy, vẫn phải gửi mẫu kiểm tra sang Bắc Kinh - Trung Quốc để thuê phân tích mẫu kiểm tra. Với hình thức này, phải mất rất nhiều kinh phí, thời gian và công sức cho việc kiểm tra Doping trong một giải thi đấu thể thao lớn. Khi đề án “Phát triển khoa học công nghệ và y học thể thao giai đoạn 2007 – 2015” được Chính phủ phê duyệt, hy vọng Việt Nam sẽ xây dựng được một trung tâm kiểm tra Doping hiện đại cấp quốc tế để phục vụ cho các giải thể thao trong nước và thế giới tổ chức tại Việt Nam.
TS. Lê Đức Chương