4 năm làm HLV, 2 kỳ SEA Games là tuyển thủ
Cuối năm 2011, Phương đã quyết định giải nghệ để tập trung cho gia đình cũng như hoàn thành chương trình học Đại học với một tấm bằng giỏi. Ngay đầu 2012, tuyển thủ xứ Thanh đã được đặc cách triệu tập được lên làm trợ lý cho ông chuyên gia ngoại ở ĐTQG. Những tưởng yên tâm tập trung cho vị trí mới, thế nhưng Phương vẫn phải kiêm thêm trọng trách của một tuyển thủ tranh huy chương SEA Games cho đến tận bây giờ.
Lý do đơn giản vì HLV trẻ này vẫn đạt thành tích quá tốt. Dù chỉ ở những lần nhảy thị phạm cho các học trò, cựu kỷ lục gia ĐNÁ vẫn có thể bay qua mức xà 4m – một thông số vượt cả HCĐ SEA Games. Trong khi đó, ngay cả các nhân tố trẻ triển vọng nhất cũng kém thành tích của HLV này cả vài chục cm. Bởi thế, bộ môn điền kinh cùng ông chuyên gia đã tìm mọi cách vận động Phương kiêm luôn vai trò VĐV, bên cạnh vị trí trợ lý ĐTQG.
Tại SEA Games 2013, HLV kiêm VĐV sinh năm 1983 này đã mang về 1 tấm HCB với 4m10. Sau 2 năm, chị lại tiếp tục xuất hiện ở ĐTQG điền kinh với tư cách 1 VĐV chuẩn bị sang Singapore tranh tài.
“Phận Bạc” của kỷ lục gia ĐNÁ
SEA Games 28 sẽ là lần thứ 6 liên tiếp Lê Thị Phương tranh tài ở sân chơi khu vực. Cả 5 cuộc trước, chị đều chỉ giành HCB, một chiến tích có thể đặc biệt sáng giá với nhảy sào Việt Nam nhưng lại là nỗi đau của riêng Phương. Không có VĐV nào phải chấp nhận “phận Bạc” nhiều và dài như Phương.
Như một định mệnh, ở thời đỉnh cao nhất của mình, Phương đã luôn phải chạm trán “ác mộng” Roslinda Samsu. Nghiệt ở chỗ, đối thủ người Malaysia không chỉ hay mà còn luôn may hơn hẳn nên Phương đã không thể một lần có cơ hội được bước lên bục cao nhất. Thậm chí như SEA Games 2011, Phương đã phá cả kỷ lục ĐNÁ với 4m20, bằng đúng với Samsu mà vẫn ngậm ngùi đứng thứ 2 do kém về chỉ số phụ.
Với một VĐV kiêm HLV đã 32 tuổi như Phương, có lẽ tái lập được một tấm HCB SEA Games thứ 6 cũng đã là cả một kỳ tích. Ngôi đầu nội dung nhảy sào nữ SEA Games 28 gần như được mặc định thuộc về ĐKVĐ người Thái Sukanya.
Tuy nhiên hy vọng dành cho Phương vẫn không ít, bởi khoảng cách giữa hai người cũng chỉ trên dưới 5cm. Cựu binh người Thanh Hóa có ưu thế của kinh nghiệm, bản lĩnh cùng sự thoải mái. Chị không phải chịu chút áp lực nào của tấm HCV.
Theo tinthethao.com.vn