Đại tướng Hoàng Văn Thái sinh năm 1915 tại xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là một trong những lãnh đạo ngành TDTT đã có nhiều công lao vô cùng ý nghĩa đối với lịch sử phát triển của ngành TDTT. Nhân kỷ niệm ngày mất (2-7-1986), Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT giới thiệu với bạn đọc trích bài viết về Đại tướng Hoàng Văn Thái của Nhà báo Trương Xuân Hùng, người đã gắn bó với sự nghiệp TDTT nước nhà trong suốt những năm qua.
Trong những tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam từ chiến khu Việt Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ trở về Thủ đô ngày 10/10/1954, ai cũng biết đến tên tuổi Trung tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Mọi người càng biết rõ về ông hơn ngay từ đầu năm 1960 khi Ban Thể dục thể thao (TDTT) trung ương được nâng cấp lên Uỷ ban TDTT quốc gia và Quốc hội bổ nhiệm Trung tướng Hoàng Văn Thái kiêm giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban. Ngành Thể dục thể thao còn non trẻ lúc bấy giờ được vị tân thủ trưởng mang đến nguồn sinh khí mới khá hùng hậu: Gần 200 cán bộ nòng cốt của cơ quan Uỷ ban từ Phó Chủ nhiệm đến cấp Vụ, từ Chánh văn phòng đến người phụ trách các bộ môn… đều từ hàm Đại tá đến thiếu uý trong quân đội.
Chủ nhiệm Hoàng Văn Thái là người trực tiếp đề nghị với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh và đã được chấp thuận: Quân đội dành cho Uỷ ban TDTT cơ ngơi ngôi nhà 36 phố Trần Phú (Hà Nội) làm trụ sở và toàn bộ doanh trại Rừng Sặt thuộc đất xã Đồng Quang (Từ Sơn, Bắc Ninh) lúc bấy giờ đang được dùng cho Trường TDTT quân đội để mở Trường Trung cấp TDTT trung ương (nay là Trường Đại học TDTT I). Một cơ ngơi nữa mà cũng nhờ công sức của Trung tướng-Chủ nhiệm Hoàng Văn Thái là sân bay Bạch Mai dành cho Ngành TDTT để mở CLB Hàng không, CLB Nhảy dù, CLB Tàu lượn.
Ngoài hai khâu trọng yếu trên: Cán bộ cụ thể và cơ sở vật chất đặt nền móng vững chắc rồi, Chủ nhiệm Hoàng Văn Thái luôn quan tâm đến công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức về công tác TDTT cho Đảng viên, cán bộ lãnh đạo các cấp từ cơ quan Trung ương đến thành phố, tỉnh, huyện, xã.
Năm 1985 tại Đại hội thể thao Tiệp Khắc mang tên Xpác-ta-ki-át, Đại tướng đã đứng suốt 4 tiếng đồng hồ theo dõi cuộc diễu hành thể thao quy mô lớn chưa từng thấy hồi ấy hào hùng vô cùng. Nhiều anh em cán bộ thể thao nghĩ chắc Đại tướng rất mệt. Thấy vậy Đại tướng Hoàng Văn Thái muốn anh em thể thao yên tâm nên Thủ trưởng đã hồ hởi nêu khái quát lại những nét đặc sắc của cuộc diễu hành, nói đến tính quần chúng rất rõ trong Đại hội Thể dục thể thao của nước bạn, cách thức tổ chức rất khoa học của một đại hội có đông quần chúng và nhiều lực lượng xã hội tham dự… Đại tướng muốn thông qua câu chuyện với những cán bộ TDTT mà 1/4 thế kỷ trước đây ông đã điều hoạch, phân công, chỉ định công việc cho từng sĩ quan để nhắc nhở tới tương lai sự nghiệp mà Đại tướng nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT đã có công xây dựng thủa ban đầu. Tại đây, Đại tướng gửi gắm biết bao hy vọng cho những bước phát triển công tác TDTT sắp tới sâu rộng, toàn diện và vững chắc hơn của công cuộc xây dựng đất nước như Bác Hồ mong muốn “Dân cường thì quốc thịnh”.
Công lao cống hiến xuất sắc trong 47 năm binh nghiệp, trong đó có 10 năm “làm tướng TDTT”, và phẩm chất trong sáng của Đại tướng Hoàng Văn Thái đã được Đảng, Quốc hội, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến thắng, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang… đều từ hạng Ba đến hạng Nhất. Ba Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng… Ông mất lúc 71 tuổi (1915 - 1986) đang lúc sung mãn về tài năng quân sự và nhiều mặt khoa học lãnh đạo khác trong đó có…Thể dục thể thao.
Trương Xuân Hùng