Lẽ ra phải có trọn vẹn sáu điểm để "rộng đường tính toán" ngay sau hai trận đầu vòng bảng Giải vô địch bóng đá các quốc gia Đông - Nam Á (AFF Suzuki Cup) 2014. Thế nhưng, dù sao, đội tuyển (ĐT) Việt Nam cũng đã thể hiện được những phẩm chất hứa hẹn, đủ để người hâm mộ tin tưởng vào tương lai.
1 Với Công Vinh, Anh Đức, Hồng Quân và Hải Anh, trên lý thuyết, ĐT Việt Nam đang sở hữu một hàng công rất mạnh, chưa kể tới Văn Quyết, Thành Lương hay Vũ Minh Tuấn - những tiền vệ rất có duyên ghi bàn. Đáng tiếc là trên thực tế, chính HLV trưởng T. Miu-ra (Toshiya Miura) phải thừa nhận rằng "khả năng tận dụng cơ hội ghi bàn đang là vấn đề rất nghiêm trọng" của ĐT Việt Nam.
Công thiếu sắc bén, mà hàng phòng thủ cũng chưa mang lại cảm giác an toàn. Phước Tứ chỉ chơi tròn vai. Đinh Tiến Thành, ngoại trừ ưu thế về chiều cao, còn thiếu rất nhiều yếu tố để được xem là một trung vệ giỏi cỡ như Huy Hoàng hay Như Thành trước đây. Thêm nữa, vị trí thủ môn cũng vẫn còn là dấu hỏi, khi lựa chọn số một là Nguyên Mạnh mắc sai lầm ngớ ngẩn ở trận ra quân, còn hai thủ môn dự bị là Thanh Bình và Vĩnh Lợi lại thiếu sự ổn định.
2 Nhưng, bất kể những điều đó, màn thể hiện của ĐT Việt Nam qua hai trận đầu thật sự cũng có nhiều điểm tích cực xứng đáng được ghi nhận.
"Điểm cộng" lớn nhất phải kể tới là vai trò của HLV Miura. Kể từ thời HLV H. Ca-li-xtô (Henrique Calisto) đến nay, ĐT Việt Nam mới lại có một HLV trưởng mưu lược và biết cách để lại dấu ấn của mình như thế. Ông đã luôn mang lại bất ngờ cho cả CĐV cũng như đối thủ, về cách sắp xếp nhân sự cũng như phương án tiếp cận trận đấu, và điều đáng nói là HLV Miura hiếm khi lựa chọn sai lầm.
Hầu hết các HLV đều tuyên bố sẽ sắp xếp đội hình xuất phát dựa trên phong độ thực tế của cầu thủ. Có điều, không phải ai cũng làm được như vậy, và đây được xem là nguyên nhân chính yếu của rất nhiều mâu thuẫn xảy ra tại các đội bóng. Tuy nhiên, HLV Miura lại "nói được làm được". ĐT Việt Nam hiện tại thật sự là một tập thể thống nhất, đoàn kết, đặc biệt là ở khía cạnh kỷ luật. Xem ĐT Việt Nam thi đấu bây giờ cũng không khác thời điểm AFF Cup 2008 là bao, khi các tuyển thủ có thể chơi chưa hay, chưa tưng bừng, nhưng gần như luôn bảo đảm được yêu cầu kỷ luật chiến thuật (hai bàn thua phải nhận đều là sai sót cá nhân, không phải lỗi hệ thống).
3 Hơn thế, khi gạt sang một bên vấn đề về tinh thần khát khao chiến thắng, hai trận đấu với ĐT In-đô-nê-xi-a (Indonesia) và ĐT Lào dường như cũng đã mang lại những bài học đáng nhớ. Các chàng trai áo đỏ đã chơi tiến công "bốc lửa", đã liên tục dẫn trước ở trận ra quân, nhưng lại hai lần để bị bắt kịp.
Trong khi đó, trước một đối thủ còn tập trung vào phòng ngự hơn, một thế trận "điềm đạm" hơn lại mang lại kết quả đáng hài lòng hơn. Đặt hai trận đấu này cạnh nhau, điểm khác biệt rõ ràng là khả năng điều tiết nhịp độ và kiểm soát cục diện.
Tâm lý "lạnh lùng" và độ tỉnh táo ấy sẽ còn là một hành trang quý báu cần được mang theo, không chỉ tại AFF Cup lần này (nơi mà một ĐT Thái-lan trẻ hóa mạnh mẽ hay một ĐT Phi-li-pin "lột xác" nhờ nhập tịch cầu thủ đang được xem là những ứng cử viên vô địch hàng đầu). Dĩ nhiên, việc tìm lại vị thế tại sân chơi khu vực sau một khoảng thời gian dài bị khuất lấp vẫn là "mệnh lệnh tối thượng" từ người hâm mộ. Nhưng, sau đó, ĐT Việt Nam sẽ còn phải vươn cao hơn nữa. Chặng đường ấy bắt đầu từ những nỗi chật vật hôm nay, và những tia hy vọng cũng đã lấp lóe từ những mầu sắc cầu vồng sau bão mong manh hôm nay.
theo nhandan.com.vn