* Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Trần Đức Phấn: Chuẩn bị cho ASIAD 2014 là quá trình liên thông với việc hướng tới Olympic 2016 và ASIAD 2019.
* Nguyên Trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh: Chúng ta phải quên đi thành tích ở SEA Games, bởi ASIAD là sân chơi ở tầm mức khác!
Chưa đầy 12 tháng nữa, Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) sẽ lại diễn ra tại Hàn Quốc.Ở đó, Đoàn thể thao Việt Nam sẽ cố gắng vượt qua thành tích kỳ trước (một huy chương vàng). Khá khiêm tốn, nhưng quả thật, ASIAD là một sân chơi hoàn toàn khác so với SEA Games.
Từ SEA Games tới ASIAD
Kết thúc SEA Games 27, Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) giành được 73 HCV, giữ vững vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng. Có điều, vị thế đó ở khu vực Đông - Nam Á không mang quá nhiều ý nghĩa tại đấu trường châu lục. Nếu như các cuộc thi đấu ở SEA Games không chỉ là chuyên môn, thì ASIAD là thước đo chuẩn của mỗi nền thể thao, phản ánh đúng thực lực, mức độ đầu tư, tính hiệu quả... Giữa hai "kỳ cuộc" ấy, có những sự khác biệt rõ rệt về tính chất, quy mô cũng như đẳng cấp.
Thực tế, Đoàn TTVN từng "bội thu" ở kỳ SEA Games năm 2009 trên đất Lào (83 HCV, xếp thứ hai toàn đoàn), nhưng một năm sau, tại ASIAD 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), lại chỉ có duy nhất một lần đăng quang (nhờ công của võ sĩ karatedo Lê Bích Phương).
Điểm mặt "những niềm hy vọng vàng" của ASIAD 2014, Ánh Viên nổi bật với ba HCV và hai kỷ lục tại SEA Games 27. Thế nhưng, thành tích của Ánh Viên cũng mới chỉ tiệm cận tầm châu lục. HLV Đặng Anh Tuấn thừa nhận: Ba HCV SEA Games của Ánh Viên không thể đổi được một HCV ASIAD, bởi sức cạnh tranh ở Á vận hội khốc liệt hơn nhiều. Hay như lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn. Tuấn phá kỷ lục SEA Games với tổng cử 285kg, nhưng mức tạ này chưa đủ để đánh bại những đối thủ Trung Quốc hay CHDCND Triều Tiên, những người thường xuyên nâng được 290 kg. Điền kinh Việt Nam cũng có tới 10 HCV và những lần phá kỷ lục SEA Games, nhưng thành tích cũng "chưa là gì" ở tầm châu Á.
Thời của hành động
ASIAD 2014 được xem là đại hội "bản lề" để TTVN chuẩn bị lực lượng cho Thế vận hội (Olympic) 2016, và xa hơn nữa là kỳ ASIAD 2019 được tổ chức trên sân nhà. Vì vậy, không phải sau SEA Games 27 mà ngay từ đầu năm 2013, lãnh đạo ngành thể thao đã bắt đầu chuẩn bị cho sân chơi này.
Theo kế hoạch, nước chủ nhà Hàn Quốc sẽ tổ chức 36 môn thi đấu tại ASIAD 17 năm 2014, trong đó có 28 môn thuộc chương trình thi đấu Olympic 2016. Nhóm 15 môn trọng điểm được TTVN xác định tập trung đầu tư gồm: bơi lội, điền kinh, bắn súng, thái cực đạo (taekwondo), không thủ đạo (karatedo), nhu đạo (judo), cử tạ, thể dục dụng cụ (TDDC), vật, bắn cung, đấu kiếm, đua thuyền, quyền anh (boxing) nữ, cầu mây, u-su (wushu). Trong đó, cầu mây, karatedo và taekwondo "sáng cửa" tranh HCV nhất, với những VĐV đẳng cấp thế giới. Đáng tiếc, cờ vua với danh thủ Lê Quang Liêm không được góp mặt, nhưng TTVN vẫn có thể đặt hy vọng vào khả năng gây đột phá của những Ánh Viên (bơi lội), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Lụa (vật), Hà Thanh (TDDC)...
Tại ASIAD 2010, TTVN giành tới 17 HCB. Điều đó cho thấy: nếu được đầu tư vượt tầm, cơ hội giành HCV không phải là không hiện hữu.
Lúc này, Ánh Viên đang là trường hợp tiêu biểu thể hiện quyết tâm "hành động" của ngành thể thao, khi được cử đi tập huấn tại Mỹ với kinh phí lên tới bốn tỷ đồng - một "khoản đầu tư dài hơi" không chỉ cho ASIAD 2014, mà còn hướng đến những mục tiêu xa hơn. Bên cạnh cô, còn khá nhiều tuyển thủ trọng điểm được tập huấn nước ngoài dài hạn.
Không thể hoạch định thành tích theo kiểu "đếm cua trong lỗ", cũng không thể mong "một bước hóa rồng".
Song, chí ít, những hành động cụ thể mà ngành thể thao đang thực hiện cũng đã bắt đầu tạo dựng được sự tin tưởng, niềm tin vào những giá trị đích thực và bền vững, đến từ tư duy hiện đại và cách làm việc chuyên nghiệp.
Đã qua rồi, thời của căn bệnh thành tích, của những bản kế hoạch trên giấy hay những câu khẩu hiện suông...
theo nhandan.com.vn