Quyết định số 234/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đã ban hành gần 10 năm nay, kể từ ngày ký duyệt vào 5/2/2016. Ngành Thể thao đã đi đầu trong công tác thực hiện triển khai sâu rộng đến toàn dân. Hiện tại, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng và triển khai kế hoạch chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ nhỏ.
Bền bỉ tuyên truyền, phát động phong trào, đẩy mạnh xã hội hóa, và quả ngọt chính là ý thức phòng chống đuối nước trong cộng đồng được nâng cao. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã triển khai mô hình Lớp học bơi Không (0) đồng, giảm tối đa tai nạn đuối nước….
Lớp học bơi 0 đồng thu hút người dạy, người học
Là một địa phương có nhiều ao, hồ, sông ngòi và đường biển dài, Đà Nẵng luôn đi đầu trong công tác phổ cập bơi cho trẻ em, người lớn. Sở VH, TT, DL Đà Nẵng luôn có công văn hướng dẫn, khuyến khích nhiều hội ngành, trung tâm, đơn vị, các địa phương trên địa bàn hỗ trợ tích cực và thiết thực đối với phụ huynh, học sinh khi mở lớp dạy bơi miễn phí.
Tính đến hết năm 2023, Đà Nẵng có 86 bể bơi miễn phí tại các trường với hơn 300 giáo viên dạy bơi. Cứ mùa hè đến, các con, thậm chí các bố mẹ chỉ cần đăng ký và đóng một chút phí vào bể rất nhỏ, và được dạy bơi hoàn toàn miễn phí.
Từ đầu tháng 7/2024 đến 9/2014, Quận đoàn Liên Chiểu mở 3 lớp lớp “Dạy bơi 0 đồng” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tháng triển khai một lớp. Mỗi tuần các em được học bơi 3 buổi, mỗi buổi kéo dài 1 giờ. Sau 1 tháng với 12 buổi học, 100% học sinh tham gia được dạy cách khởi động trước khi bơi, kỹ năng bơi lội, cách tự nổi trong nước để an toàn, cách sơ cấp cứu người bị đuối nước.
Trường đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng cũng nhiệt tình tham gia phong trào này, trường bố trí các giáo viên dày dạn kinh nghiệm, các sinh viên giỏi, các VĐV đội tuyển trẻ đi tham gia các chương trình để hỗ trợ các em học sinh tập bơi đúng phương pháp, kỹ thuật phòng tránh các sự cố khi bơi như bị chuột rút, bơi vào vùng nước xoáy.
Cụ thể là tham gia cùng Quận đoàn Liên Chiểu, Hòa Vang, Cẩm Lệ, Hải Châu, Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, đang tổ chức 2 khóa học bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Các cấp Đoàn, Hội tại địa phương, cũng sẽ linh động tổ chức các lớp tập huấn bơi an toàn, phòng, chống đuối nước...
Đặc biệt, với sự quan tâm rất lớn của chính quyền thành phố và các quận, huyện, từ năm 2018, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai vận động tài trợ xây dựng được 13 bể bơi trong trường học tại các địa phương ven sông, có nhiều nguy cơ ngập lũ như Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu…
Tại huyện Hòa Vang, có 28 bể bơi đặt tại các trường tiểu học và trung học, mỗi bể bơi trị giá 96 triệu đồng do ngân sách huyện giao cho các trường thực hiện. Các em tham gia học bơi được miễn phí hoàn toàn. Theo thầy Thanh Hùng, HLV bơi, huyện Hòa Vang, cho biết, các em đăng ký học bơi rất đông, số lượng mỗi khóa từ 180 đến 240 em, kết thúc khóa học các em được cấp chứng chỉ.
Không phải là địa phương có nhiều sông, hồ, song tỉnh Đắk Lắk lại là địa phương có khá nhiều trẻ em bị đuối nước. Theo Sở LĐ, TB- XH toàn tỉnh hiện có hơn 500 nghìn trẻ em. Chỉ từ năm 2021-2023, đã có 181 trẻ tử vong do đuối nước. Ngay trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã có gần 10 em tử vong do tai nạn đuối nước.
Xuất phát từ thực tế đau lòng đó, năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Câu lạc bộ “Vì đàn em thân yêu” để dạy bơi miễn phí. Câu lạc bộ gồm một đười dâni gồm 6 thầy giáo, cô giáo có kiến thức và kỹ năng về các trường học trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho các giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Qua gần 4 năm triển khai, chương trình diễn ra tại 40 trường trên địa bàn tỉnh, tiếp cận cho hơn 19.000 lượt trẻ em, học sinh. Với các nội dung giảng dạy, học sinh sẽ biết được các mối nguy hiểm để phòng, chống tai nạn đuối nước; cách thức gián tiếp cứu đuối nước để bảo đảm an toàn cho bản thân; kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản…
Chương trình dạy bơi miễn phí đến nay đã kêu gọi XHH được ba bể bơi di động. Tuy nhiên, do đặc thù địa phương, còn rất nhiều trẻ em nguời dân tộc chưa được tiếp cận với chương trình và còn đó nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Tại Quảng Ninh, các lớp học bơi miễn phí lại được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tổ chức. Nhằm hướng đến mục tiêu bồi dưỡng, trang bị cho học sinh kỹ năng bơi để phòng tránh tai nạn đuối nước, bảo vệ bản thân, những năm qua Hội CTĐ tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức các lớp học bơi miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, có khoảng 500 trẻ em được tập luyện miễn phí.
Nam Định lại có cách làm khác. Ở đây, các trường học đã đưa môn bơi vào chương trình giáo dục thể chất cho học sinh. Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Nam Định đã tích cực phối hợp với các nhà trường triển khai hiệu quả chương trình phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh, trẻ em trên địa bàn các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực và thành phố Nam Định.
Theo thống kê, hàng năm Trung tâm đã triển khai các lớp dạy bơi cho hơn 9.000 học sinh. Ngoài ra còn tổ chức giải thi bơi, thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước, các trò chơi vận động dưới nước…
Kết
Có thể nói, với sự đồng lòng và quan tâm của toàn xã hội, phong trào tập luyện môn bơi ngày càng lan tỏa và phát triển, chắc chắn tình trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước sẽ nhanh chóng giảm xuống, tầm vóc thể lực cũng được cải thiện, tăng cao. Qua đó, từng bước đưa môn bơi trở thành một trong những môn thể thao quần chúng và hướng tới mục tiêu thành tích cao trong thời gian tới.