Xét trên mặt bằng chung về thành tích thể thao trong những năm qua, Thừa Thiên Huế tuy không thể sánh được với hai trung tâm thể thao mạnh của cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhưng so với các thành phố lớn khác như: Đà Nẵng, Khánh Hoà, Hải Phòng… thành tích của thể thao Thừa Thiên Huế không hề thua kém. Thậm chí ở một số bộ môn như: Cờ vua, Karatedo, Teakwondo… thành tích còn nhỉnh hơn so với các VĐV tỉnh bạn. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về TDTT, TT.Huế đang là một trung tâm thể thao mạnh của miền Trung không chỉ về lực lượng, chất lượng chuyên môn, mà còn ở cơ sở vật chất, công tác tổ chức thi đấu các giải thể thao mang tầm quốc gia, quốc tế.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, những thành công này tập trung chủ yếu trên phương diện TDTT quần chúng. Còn TTTTC vẫn chưa đáp ứng với mong đợi của lãnh đạo ngành và NHM. Trả lời vấn đề này, ông Ngô Văn Trân – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL thẳng thắn: “TT.Huế là một trong những địa phương có phong trào thể thao phát triển mạnh và hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thể thao đỉnh cao. Thời gian gần đây, thành tích của các môn thể thao đỉnh cao đều có tiến bộ rõ rệt trong bình diện quốc gia và khu vực. Một số môn đạt được trình độ cao của Đông Nam Á và Châu Á. Tuy nhiên, dù có đầy đủ những điều kiện như xuất phát điểm mạnh, nền tảng TDTT quần chúng sâu rộng, vững chắc, cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại… nhưng nguyên nhân dẫn đến việc thành tích của thể thao đỉnh cao chưa thể đáp ứng mong đợi của NHM chính là do nguồn kinh phí cho sự nghiệp phát triển thể thao đỉnh cao còn hạn chế so với mặt bằng chung cả nước. Điều này dẫn đến việc các VĐV ít được tập huấn, cọ xát, thi đấu tại các giải mang tầm quốc gia, quốc tế; chế độ ưu đãi cho VĐV đỉnh cao vẫn chưa thỏa đáng nên rất khó chiêu mộ và giữ chân các VĐV tài năng…”
Như vậy, từ những thuận lợi, khó khăn của thể thao TT.Huế, thời gian tới, để TDTT TT.Huế ngày càng phát triển vững mạnh, toàn diện hơn nữa thiết nghĩ, cần phải tiếp tục xây dựng vững chắc phong trào TDTT quần chúng, tạo tiền đề cho phát triển TTTTC; chú trọng phát triển TDTT học đường; xây dựng thiết chế TDTT ở cơ sở; tập trung đầu tư hơn nữa ở một số môn mũi nhọn như: Taekwondo, Karatedo, Bơi, Lặn, Cầu lông, Cờ Vua, Bóng đá…đồng thời hướng đến việc phát triển thêm một số môn như: Vật, Võ dân tộc, Billiards Snooker, Đua thuyền truyền thống, Quần vợt, Bi sắt…Đồng thời, khuyến khích và tìm hướng đột phá trong đào tạo VĐV trẻ; tăng cường hơn nữa kinh phí cho phát triển thể thao đỉnh cao…Nếu thực hiện tốt và đầy đủ những yếu tố trên, việc thể thao TT.Huế khẳng định được vị thế của mình trên bình diện quốc gia và quốc tế là không quá xa vời.
Võ Nhân
Phong trào tập luyện TDTT của quần chúng nhân dân đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Số người tập TDTT thường xuyên đạt 19,1% dân số; có 372 CLB TDTT, tụ điểm giải trí thể thao; 100% trường học thực hiện giáo dục thể chất nề nếp; các môn thể thao như: Dưỡng sinh, Thể dục thể hình, Dancing Sport và các môn thể thao dân tộc…có số người tham gia tập luyện tăng lên đáng kể. Về cơ sở vật chất, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 300 sân Cầu lông ngoài trời, 100 sân Cầu lông trong nhà, 33 sân Quần vợt, 30 nhà tập thể thao các loại, 100 sân Bóng chuyền…
Công tác đào tạo lực lượng trẻ cũng có nhiều tiến bộ vượt bậc. Do các VĐV trẻ được tuyển chọn, sàng lọc kỹ thông qua các kỳ HKPĐ cấp cơ sở, các bộ môn, nên thể thao TT. Huế có được đội ngũ kế cận ở một số môn thể thao trọng điểm như: Cờ Vua, Karatedo, Điền kinh… Hiện, TT.Huế có 1 Đại Kiện tướng quốc tế, 2 Kiện tướng quốc tế, 3 Kiện tướng FIDE, 5 Kiện tướng quốc gia, 23 VĐV Cấp I và có 15 VĐV đang tập trung tại các đội tuyển quốc gia.
Ông Lê Thanh Hùng, Hiệu trưởng Trường nghiệp vụ TDTT TT.Huế, cho biết: “Ngay từ đầu năm 2008, trường đã lên kế hoạch tập trung huấn luyện, đào tạo gần 200 VĐV của các môn mũi nhọn. Ngoài ra, trường còn cử các đội tuyển trẻ tham dự nhiều giải trẻ quốc gia. Qua những giải đấu này, các VĐV trẻ của tỉnh đã đem về cho thể thao tỉnh nhà nhiều huy chương các loại”.
Cần chú trọng đầu tư vào các môn mũi nhọn