Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà (Indoor Games) lần thứ nhất tại Bangkok - Thái Lan từ ngày 12 đến 19/11 gồm 10 cán bộ, 40 HLV, VĐV tham gia thi đấu 5 môn thể thao: Aerobics, Khiêu vũ thể thao, Điền kinh, Bơi và Cầu mây. Tham dự Đại hội ngoài nhiệm vụ thi đấu hết mình, hội nhập khu vực, đoàn Thể thao Việt Nam còn mục đích tham quan, khảo sát cách thức tổ chức tại các địa điểm thi đấu để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà lần thứ ba sẽ được tổ chức tại Việt Nam năm 2009. Sau khi Đại hội kết thúc, phóng viên trang tin điện tử xin tổng kết một số đánh giá ban đầu về đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Indoor Games lần thứ nhất.
Công tác tổ chức
BTC đã chuẩn bị tương đối chu đáo, bố trí ăn ở, đi lại (xe đưa đón) cho các đội tuyển và Trưởng đoàn, thành viên của Uỷ ban Olympic các quốc gia tham dự tại các khách sạn gần khu vực thi đấu, tạo điều kiện tốt cho VĐV tham gia thi đấu. Việt Nam tham dự 5 môn thi tại 3 địa điểm khác nhau. Trong đó, đoàn luôn theo sát các đội Bơi, Khiêu vũ, Cầu mây ( thi đấu tại Bangkok), Điền kinh (tại Pataya). Do Sport Aerobic thi đấu tại Phuket, (quá xa Bangkok) nên đoàn không có điều kiện đến đó theo sát tình hình. Tuy nhiên, đoàn luôn nắm bắt tình hình của đội tuyển tại địa điểm thi đấu. Theo đánh giá của lãnh đạo đoàn, các VĐV đã thi đấu đoàn kết, nhiệt tình, hết mình vì Tổ quốc.
Thông tin tuyên truyền
Đi cùng đoàn Thể thao Việt Nam tại Thái Lan còn có lực lượng báo chí của Trang tin điện tử, Điện ảnh Thể thao và Đài tiếng nói Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng báo chí còn mang nặng tính chất về thông tin kết quả các trận đấu mà chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền giải. Trong khí đó, đây là sân chơi mới được tổ chức lần đầu tiên mà Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức lần thứ ba năm 2009, nhu cầu tìm hiểu của công dân về những thông tin liên quan tới giải là rất cao: khâu tổ chức thi đấu, công tác chuẩn bị, trọng tài, địa điểm thi đấu, vấn đề y tế, dinh dưỡng, giao thông...
Trang thiết bị tại các địa điểm thi đấu và khách sạn còn ít, các địa điểm thi đấu ở xa nhau nên việc truyền thông tin chậm trễ và gặp nhiều khó khăn. Việc thông tin chủ yếu bằng điện thoại nhưng đoàn vẫn được báo cáo kịp thời tình hình của các đội tuyển tại các địa điểm.
Để phục vụ đảm bảo cho công tác tuyên truyền đặc biệt các giải lớn ở nước ngoài, việc phóng viên đi theo đoàn đưa tin theo định hướng cụ thể của đoàn Thể thao Việt Nam là rất cần thiết.
Công tác đối ngoại
Tham dự giải lần này, công tác đối ngoại đã thực hiện tốt các hoạt động như: Đoàn đã gặp gỡ và tặng quà lưu niệm Ban tổ chức, đại diện Uỷ ban Olympic các quốc gia tham dự Đại hội. Tuy nhiên, đoàn còn hạn chế trong công tác phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan để theo dõi các hoạt động của đoàn. Đại sứ quán là cơ quan quan trọng của đoàn Thể thao khi tham dự các giải đấu nước ngoài vì vậy cần khắc phục hạn chế đó cho các lần thi đấu tại nước ngoài khác.
Công tác y tế
Trong thời gian tham gia Đại hội, mặc dù gặp nhiều khó khăn (địa điểm thi đấu khá xa, điều kiện ăn ở chưa phù hợp...) nhưng các thành viên vẫn đảm bảo sức khoẻ. Tuy nhiên, do mặt sân điền kinh của nước bạn quá cứng, bị phản hồi lại nên một VĐV nhảy xa bị chấn thương cổ chân. Đây là điều đáng tiếc đã xảy ra. Chúng ta nên đưa bác sỹ đi theo đội để theo dõi và chăm sóc khi có chấn thương, đảm bảo cho thi đấu và công tác của đoàn đạt kết quả tốt. Nếu không có điều kiện để bác sỹ theo đoàn, Uỷ ban cũng nên cung cấp cho đoàn một số thuốc dự phòng mang theo để đảm bảo việc sơ cứu tránh các vấn đề đáng tiếc xảy ra.
Tổ chức thi đấu và trọng tài
Do nước bạn bố trí địa điểm thi đấu không tập trung nên VĐV thi đấu cũng gặp khó khăn. Thái Lan sử dụng phần lớn là trọng tài trong nước, ít mời trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn của các quốc gia tham dự Đại hội, trọng tài không phải là "vấn nạn" của Đại hội mà vẫn đảm bảo công bằng, chưa có điều đáng tiếc xảy ra. Nhưng nếu trọng tài Việt Nam tham gia điều hành các Đại hội như thế này sẽ là điều đáng mừng cho nền thể thao nước nhà.
Cơ sở vật chất phục vụ thi đấu
Các cơ sở thi đấu nói chung đảm bảo, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của đội tuyển Việt Nam về một số vấn đề: Đội tuyển khiêu vũ thể thao không có địa điểm tập luyện nên phải tập nhờ phòng tập tại khách sạn đội ở; đội Điền kinh không được Ban tổ chức bố trí tập luyện nên VĐV bỡ ngỡ khi thi đấu nên đã ảnh hưởng đến kết quả thi đấu của các VĐV.
Kết quả thi đấu
Sau 6 ngày tranh tài, đoàn Thể thao Việt Nam đứng thứ 21/37 đoàn tham dự, đạt 1 HCB (Cầu mây nội dung đồng đội nữ với thành tích 400 điểm) và 1 HCĐ (Bơi lội của VĐV Hoàng Thị Cúc). Kết quả đoàn Việt Nam đạt được tại Đại hội tuy còn thấp so với các nước tham dự nhưng đó cũng là kết quả đáng khích lệ cho các đội tuyển Việt Nam. Các VĐV đều thi đấu hết mình, đoàn kết, trung thực và được đánh giá đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
HX