Đã xuất hiện một vài dấu hiệu sáng sủa: các chỉ số chứng khoán về IT đã gia tăng đều cuối năm, nhu cầu về IT gia tăng ớ mức độ toàn cầu, sự đổi mới khá toàn diện của giới mã nguồn mở …
Cực kỳ khó khăn khi đưa ra những tiên đoán về sự phát triển của công nghệ thông tin trong năm 2005, nhưng nếu chúng ta dựa vào xu thế thị trường, chiều hướng phát triển, các nguyên tắc cơ bản của công nghệ … thì tối thiểu chúng ta cũng có thể đưa ra một số nhận xét hoặc dự đoán có thể gây ngạc nhiên ít nhiều, một trong số đó có thể là vớ vẩn nhưng cũng có một số dự báo có khả năng trở thành hiện thực trong giai đoạn 2005-2006
1. Mua lại các đại gia
Một số đại công ty nước ngoài sẽ có kế hoạch mua lại (hay thôn tính) các công ty IT lớn của Hoa Kỳ. Cách đây một vài năm, dù ai có trí tưởng tượng phong phú đến đâu cũng không thể mường tượng rằng một công ty “vô danh” nào đó của Trung Quốc hay Ấn Độ có thể mua (tức thôn tính) lại một trong những chi nhánh hùng mạnh nào đó của IBM, Microsoft, Sun …
Tại sao không? Qua hàng thập niên phát triển các đại công ty ngoài Mỹ đã thu được những khoản lợi nhuận kếch sù mà giới thống kê tại Mỹ chưa thể thống kê đầy đủ. Qua việc tập đoàn Lenovo của Trung Quốc đã “dư sức” bỏ ra gần 2 tỷ USD để “ôm về” chi nhánh sản xuất-kinh doanh PC của IBM là phát súng tiên phong mở đường cho xu thế các công ty IT nuớc ngoài nhảy vào “xẻ thịt” các đại công ty IT của Hoa Kỳ, tương tự như vài năm trước đây Sony đã thôn tính hoàn toàn một số đại phim trường của Hollywood. Đã có lời đồn đoán về một số tập đoàn IT lớn của Ấn Độ và Trung Quốc đang để mắt đến một số chi nhánh “xìu xìu ển ển” của các đại gia công nghệ thông tin Hoa Kỳ.
2. Microsoft: ngọn cờ đầu trong việc truy quét mọi máy tính xài phần mềm lậu
Thật là sai lầm khi nghĩ rằng Microsoft hiện đã bó tay trước làn sóng “xài chùa” mọi sản phẩm của mình, các chiến dịch pháp lý của Microsoft vẫn được tung ra dữ dội hòng ngăn chặn làn sóng xài chùa trên toàn thế giới. Hiện Microsoft đã ký kết với mọi công ty lớn, với các bang của Mỹ, với mọi quốc gia thuộc liên hiệp châu Âu cũng như các quốc gia khác … các khế ước liên quan đến việc bảo vệ bản quyền, nhằm tống giam – phạt vạ mọi người sử dụng phần mềm bất hợp pháp.
Các công ty lớn khác như Real Networks, Novell cũng có những hành động pháp lý bảo vệ bản quyền tương tự nhưng Microsoft là tỏ ra dữ dội hơn cả. Có lẽ Microsoft muốn “làm sạch” thế giới trước khi tung ra 2 con chủ bài mới của thập kỷ này là hệ điều hành Longhorn và bộ chơi game Xbox 2.?
3. Sử dụng phần mềm theo kiểu “Xài tới đâu trả tiền tới đó”
Sau nhiều năm tha hồ hốt bạc bằng đủ loại phần mềm đa tính năng mà đại đa số các tính năng đó người dùng không bao giờ đụng tới, cuối cùng các hãng phần mềm cũng sẽ phải mở ra một đường hướng kinh doanh mới để cho người dùng “dễ thở” hơn. Đó là kiểu kinh doanh phần mềm “xài tới đâu trả tiền tới đó”, dạng bản quyền phần mềm trọn gói từ trước tới nay dần dần sẽ đi vào dĩ vãng.
Mọi công ty và người dùng hiện tại đều không muốn chi ra những khoản tiền khổng lồ cho những tính năng mà mình không bao giờ đụng tới, thậm chí không biết là nó có trong “cái đống” mà mình vừa mua về. Kiểu kinh doanh này cũng tỏ ra có lợi cho các nhà cung cấp phần mềm vì tính đa dạng hóa sản phẩm sẽ cao hơn, cung cấp cho người dùng nhiều tính năng lựa chọn hơn, đời sống sản phẩm sẽ kéo dài hơn, giá cả mềm hơn thì hàng sẽ dễ bán hơn, phần nào hạn chế được tình trạng ăn cắp bản quyền …
Tư vấn và cung cấp dịch vụ phù hợp cho từng nhóm khách hàng sẽ là nguồn doanh thu chính của các hãng phần mềm. Từ từ rồi sẽ không còn cảnh đến hẹn lại phải trả tiền để… nâng cấp cho những tính năng mới mà mình không bao giờ xài tới.
4. Linux: tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc
Sử dụng Linux đã trở thành một xu thế phổ biến trên thế giới. Hàng loạt các doanh nghiệp lớn, các quốc gia … đều khuyến cáo người dùng chuyển sang sử dụng Linux ở mọi hệ máy. Các máy chủ sử dụng Linux đã khẳng định được ưu thế về tính ổn định và bảo mật của mình trong thời gian qua.
Số máy tính để bàn sử dụng mặc định Linux sẽ gia tăng ồ ạt trong năm 2005. Công ty Linspire trong thời gian tới sẽ giới thiệu một hệ thống máy để bàn có đủ loại ứng dụng Linux “hoành tráng” không thua gì Windows mà có giá hạ đến những 199USD/máy so với 1 máy cùng hệ được cài Windows.
5. Microsoft sẽ “bắt tay” với giới mã nguồn mở
Tây phương có câu ngạn ngữ “Nếu không diệt được nó thì hãy chơi với nó”, điều này là hoàn toàn đúng với Bill Gate. Microsoft cũng đã có một số bước tiến nhỏ nhưng cố tình dậm chân thật mạnh (cho mọi người đều nghe) trong lĩnh vực chia sẻ mã nguồn. Phải đối phó với quá nhiều kiện tụng từ Liên hiệu châu Âu cùng với sự tiến nhanh ở mức độ toàn cầu của Linux, cuối cùng Microsoft cũng quyết định mở cửa mã nguồn từ từ ở các ứng dụng thứ yếu.
Theo TTOL